Lở loét miệng do điều trị ung thư: Cách đối phó

    Lở loét miệng do điều trị ung thư: Cách đối phó

    Các phương pháp điều trị ung thư, đặc biệt là hoá trị có thể gây lở loét miệng hoặc viêm niêm mạc miệng. Loét miệng do điều trị ung thư thường gây ra các triệu chứng đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân. Nếu không được xử lý sớm, tình trạng loét miệng có thể tiến triển và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí khiến bạn phải ngừng việc điều trị ung thư.

    1. Lở loét miệng do điều trị ung thư là gì?

    Tình trạng lở loét miệng là một phản ứng phụ sau điều trị ung thư. Các vết loét miệng liên quan đến điều trị ung thư thường hình thành trên lớp niêm mạc bên trong miệng hoặc trên môi của bệnh nhân. Chúng có biểu hiện giống như các vết bỏng, gây đau đớn và khó khăn cho bệnh nhân ung thư trong việc ăn uống, nuốt, thở hoặc nói chuyện.

    Vết loét miệng do điều trị ung thư có thể xuất hiện trên bất kỳ mô mềm nào của môi hoặc miệng người bệnh, bao gồm cả lưỡi, nướu, vòm hoặc sàn miệng. Vết loét cũng có thể xuất hiện ở ống thực quản, nơi mang thức ăn đến dạ dày của bạn.

    miệng lở loét sau hóa trị

    Loét miệng do điều trị ung thư thường gây đau đớn cho người bệnh.

    2. Các phương pháp điều trị ung thư gây lở loét miệng như thế nào?

    Các phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hoá trị và xạ trị (thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau), có thể gây ra tình trạng lở loét miệng. Điều này là do những phương pháp điều trị nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển nhanh chóng trong cơ thể. Một số tế bào khỏe mạnh cũng phân chia và phát triển mạnh mẽ, bao gồm cả các tế bào lót bên trong miệng. Tuy nhiên, những tế bào khỏe mạnh này cũng bị phá huỷ bởi xạ trị và hoá trị.

    Khi các tế bào trong miệng bị tổn thương sẽ khiến cho khả năng tự chữa lành của miệng trở nên khó khăn và gặp trở ngại trong việc chống lại vi trùng, dẫn đến tình trạng lở loét và nhiễm trùng.

    Ngoài ra, cả hoá trị và xạ trị đều có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn. Khi đó, các loại vi khuẩn, vi rút và nấm có thể dễ dàng lây lan sang miệng hơn.

    Bên cạnh đó, biện pháp cấy ghép tủy xương (hay còn được gọi là cấy ghép tế bào gốc), cũng có thể gây lở miệng nếu bạn mắc bệnh ghép chống chủ do truyền máu (GVHD). Trong GVHD, các tế bào được cấy ghép cố gắng từ chối tiếp nhận các tế bào bình thường của cơ thể. Tế bào được cấy ghép coi các tế bào trong cơ thể bạn là vật lạ và tấn công chúng. Tình trạng lở loét miệng là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh GVHD.

    Các hình thức mới hơn của phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như liệu pháp nhắm trúng đích hoặc thuốc kích thích hệ thống miễn dịch chống lại ung thư cũng có thể gây lở miệng như một phản ứng phụ sau điều trị ung thư. Cụ thể:

    • Tình trạng lở loét miệng do hoá trị liệu: Nguy cơ miệng lở loét sau hoá trị có xảy ra hay không còn tùy thuộc vào loại, lượng thuốc cũng như tần suất điều trị ung thư Một số loại thuốc hoá trị ung thư có nhiều khả năng gây lở loét miệng, như: Cisplatin, capecitabine (Xeloda), cytarabine (Depocyt), etoposide (Etopophos), doxorubicin (Doxil), methotrexate (Trexall). Tình trạng loét miệng thường phát triển vài ngày sau khi bắt đầu quá trình điều trị bệnh và biến mất trong vòng 2 – 3 tuần sau khi ngừng hóa trị. Các vết loét miệng thường đạt đến đỉnh điểm vào khoảng ngày thứ bảy sau khi hoá trị liệu kết thúc.
    • Lở loét miệng do xạ trị vùng đầu hoặc cổ: Phương pháp xạ trị nhắm vào vùng đầu hoặc cổ có thể gây ra tình trạng lở loét miệng. Việc điều trị ung thư bằng xạ trị có gây ra lở miệng hay không còn phụ thuộc vào lượng bức xạ mà bệnh nhân nhận được cũng như các phương pháp điều trị ung thư kết hợp khác, chẳng hạn như hoá trị. Bệnh nhân có thể bắt đầu bị đau miệng khoảng từ 2 – 3 tuần sau khi thực hiện xạ trị. Các liều lượng bức xạ với cường độ cao hơn sẽ khiến cho bệnh lở miệng phát triển nhanh chóng hơn. Lở loét miệng do điều trị ung thư bằng xạ trị có thể kéo dài từ 4 – 6 tuần sau khi đợt xạ trị cuối cùng kết thúc.
    • Lở loét miệng do cấy ghép tủy xương: Lở miệng liên quan đến bệnh ghép chống chủ do truyền máu (GVHD) sẽ phát triển từ 2 – 3 tuần sau khi bạn thực hiện cấy ghép tủy xương. Những người được cấy ghép tủy xương thường trải qua hoá trị hoặc xạ trị liều cao để chuẩn bị cơ thể thật tốt cho cuộc cấy ghép. Vì những liệu pháp này có thể gây lở miệng, do đó chúng ta khó có thể phân biệt được liệu vết loét miệng là do điều trị chuẩn bị cấy ghép, nhiễm trùng do tác động của điều trị lên hệ miễn dịch hay do GVHD. Để có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra lở miệng, bác sĩ có thể kiểm tra các tế bào từ miệng của người bệnh.

    3. Làm thế nào để ngăn ngừa lở loét miệng do điều trị ung thư?

    Mặc dù không có biện pháp cụ thể nào có thể đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng lở loét miệng do điều trị ung thư, nhưng một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn làm giảm đáng kể những nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

    • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng: Bạn nên đến khám nha sĩ trước khi bắt đầu điều trị ung thư nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời bất kỳ vấn đề răng miệng nào, chẳng hạn như bệnh sâu răng, nướu răng hoặc răng cần phải nhổ. Bất kỳ cơn đau hay sự nhiễm trùng nào trong miệng cũng có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn bắt đầu điều trị ung thư.
    • Cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử bị lở loét miệng: Nếu bạn đã từng bị lở miệng tái phát trước đó, bạn nên nói rõ với bác sĩ. Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc có thể giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ bị lở loét miệng trong quá trình điều trị ung thư. Chẳng hạn, những người thường xuyên bị lở miệng do virus herpes simplex có thể dùng thuốc kháng virus nhằm ngăn ngừa những vết loét miệng đó trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Ngoài ra, súc miệng bằng thuốc dexamethasone cũng có thể giúp ngăn ngừa lở loét miệng ở những người sử dụng thuốc nhắm trúng đích everolimus.
    • Chăm sóc răng miệng thường xuyên: Bạn nên tập thói quen đánh răng và súc miệng nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh ung thư nên kiểm tra kỹ nhãn dán trên nước súc miệng và tránh sử dụng các sản phẩm có chứa cồn. Sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày, nhất là sau khi ăn uống. Ngoài ra, xây dựng thói quen chăm sóc răng miệng ngay từ bây giờ sẽ giúp bệnh nhân ung thư tiếp tục quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.
    • Bỏ hút thuốc lá: Nếu bạn thường xuyên hút thuốc lá, hãy bỏ ngay từ hôm nay. Việc hút thuốc lá trong quá trình điều trị ung thư có thể làm cho vết loét miệng khó tự lành hơn.
    • Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh: Thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày, bao gồm ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp bạn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin cần thiết để cơ thể chống lại sự nhiễm trùng trong quá trình điều trị bệnh, trong đó bao gồm tình trạng loét miệng.

    Tuỳ thuộc vào loại ung thư cũng như cách điều trị mà người bệnh nhận được, bác sĩ có thể đề xuất một số phương pháp khác giúp làm giảm nguy cơ lở loét miệng do điều trị ung thư, bao gồm:

    • Liệu pháp áp lạnh: Nếu đang sử dụng các loại thuốc hóa trị như fluorouracil (5-FU) hoặc melphalan (Alkeran), bác sĩ có thể cho bạn thực hiện phương pháp áp lạnh trong khoảng nửa giờ đầu của quá trình điều trị. Hơi lạnh sẽ giúp hạn chế lượng thuốc hoá trị đi vào miệng và làm giảm nguy cơ lở miệng.
    • Sử dụng thuốc làm lành những tổn thương ở tế bào miệng: Nhằm làm giảm tình trạng loét miệng do điều trị ung thư, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc Palifermin (Kepivance) giúp kích thích sự phát triển của các tế bào trên bề mặt miệng. Khi các tế bào trong miệng phục hồi nhanh chóng sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của lở miệng. Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã phê duyệt việc sử dụng thuốc Palifermin cho những người mắc bệnh ung thư máu hoặc tủy xương được cấy ghép.

    4. Điều trị lở loét miệng ở những bệnh nhân ung thư

    Mặc dù các biện pháp trên có thể giúp ngăn ngừa được phần nào nguy cơ bị lở miệng, tuy nhiên tình trạng này vẫn có thể phát triển như một phản ứng phụ sau điều trị ung thư.

    Việc chữa lở loét miệng thường bao gồm các biện pháp làm giảm thiểu cơn đau cho đến khi tế bào trong miệng lành lại và bắt đầu tái tạo sau khi kết thúc quá trình điều trị ung thư. Bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nếu phát hiện có bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc nhận thấy sự xuất hiện của các vết loét ở miệng.

    Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn xử lý và cải thiện tình trạng loét miệng do điều trị ung thư, bao gồm:

    • Sử dụng thuốc giảm đau hoặc kem bôi: Những loại thuốc này có thể bôi trực tiếp lên vết loét miệng. Khi sử dụng thuốc giảm đau, miệng của bạn có thể bị tê và mất cảm giác, vì vậy hãy cẩn thận khi ăn uống hoặc đánh răng nhằm tránh gây thêm thương tích cho miệng.
    • Tránh thức ăn có thể làm tổn thương vết loét miệng: Bạn nên tránh ăn những loại thực phẩm có tính axit hoặc cay nóng vì chúng có thể gây kích ứng miệng. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm sắc và giòn, ví dụ như bánh quy, khoai tây chiên. Thay vào đó, lựa chọn các thực phẩm mềm hơn và được cắt thành các miếng nhỏ dễ ăn. Bên cạnh đó, rượu cũng có thể gây kích ứng miệng, khiến vết loét miệng trở nên trầm trọng hơn, vì vậy bạn không nên uống rượu hoặc sử dụng nước súc miệng có cồn.
    • Sử dụng ống hút khi uống: Điều này có thể ngăn chất lỏng không tiếp xúc trực tiếp với vùng bị lở loét trong miệng.
    • Làm sạch miệng cẩn thận: Nếu miệng quá đau và không thể sử dụng bàn chải đánh răng, bạn có thể sử dụng loại gạc chuyên vệ sinh răng miệng. Bên cạnh đó, bạn nên dùng dung dịch nước muối loãng hoặc hỗn hợp nước ấm và baking soda để súc miệng nhiều lần trong ngày.

    5. Biến chứng của lở loét miệng do điều trị ung thư

    Nếu tình trạng lở loét miệng do điều trị ung thư của bạn tiến triển, chúng có thể trở nên trầm trọng và gây ra các biến chứng khác. Đôi khi, những biến chứng này nghiêm trọng tới mức bạn có thể phải tạm thời ngừng việc điều trị ung thư.

    Một số biến chứng nghiêm trọng của lở loét miệng ở bệnh nhân ung thư như sau:

    • Nhiễm trùng: Các vết loét ở miệng chính là con đường thuận tiện giúp các loại vi trùng có hại xâm nhập vào cơ thể. Mặt khác, việc điều trị ung thư cũng có thể gây suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Do đó, việc chăm sóc răng miệng thường xuyên là điều vô cùng quan trọng trong và sau khi điều trị bệnh nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
    • Chảy máu: Hoá trị có thể khiến suy giảm khả năng đông máu của người bệnh. Chảy máu miệng có thể xảy ra từ mức độ nhẹ với một số vết lấm tấm khi bạn đánh răng, cho đến mức độ nặng chảy máu khó cầm. Khi vết loét miệng của bạn bị chảy máu, bạn nên tiếp tục làm sạch miệng thật chu đáo.
    • Khó ăn và nuốt: Đau miệng do lở loét có thể gây khó khăn cho bệnh nhân ung thư trong việc ăn uống. Nếu cảm thấy khó ăn ngay cả những loại thực phẩm mềm, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng ống ăn để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

    Tóm lại, loét miệng do điều trị ung thư thường gây ra các triệu chứng đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân. Việc chữa lở loét miệng thường bao gồm các biện pháp làm giảm thiểu cơn đau cho đến khi những tế bào trong miệng lành lại và bắt đầu tái tạo sau khi kết thúc quá trình điều trị ung thư.

    Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

    Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

     

     

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn