Quản lý các tác dụng phụ khi điều trị ung thư

    Quản lý các tác dụng phụ khi điều trị ung thư

    Tất cả các dụng phụ khi điều trị ung thư đều có điểm chung là gây ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, thời gian sống còn cũng như hiệu quả điều trị bệnh lý ác tính. Việc quản lý các tác dụng phụ khi điều trị ung thư tốt sẽ góp phần quan trọng vào thành công trong việc đẩy lùi ung thư.

    Một số tác dụng phụ khi điều trị ung thư thường gặp, bao gồm:

    1. Tiêu chảy là tác dụng phụ khi điều trị ung thư

    Tiêu chảy là tác dụng phụ khi điều trị ung thư thường gặp và có thể tiếp tục cả sau khi kết thúc điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị đầy bụng, đau quặn bụng từng cơn hoặc chuột rút trong các cơ bắp.

    Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy khi điều trị ung thư có thể là do hóa trị khiến bệnh nhân tạm thời ‘không muốn dung nạp lactose’. Do đó, nếu thấy tiêu chảy nhiều hơn hoặc phân lỏng hơn khi uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa thì nên giảm hoặc cắt bỏ những thực phẩm này cho đến khi bệnh tiêu chảy được kiểm soát.

    Khuyến nghị:

    • Hãy cho bác sĩ biết nếu bị tiêu chảy hơn 2 hoặc 3 lần mỗi ngày hoặc thấy chất nhầy, máu khi đi tiêu để được chỉ định các thuốc chuyên biệt cho đường ruột;
    • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày: Chọn đồ uống không có caffeine chẳng hạn như nước trái cây, nước khoáng;
    • Có thể dùng thuốc chống tiêu chảy không kê đơn sau mỗi lần đi tiêu để kiểm soát tiêu chảy mức độ nhẹ;
    • Ăn trái cây và rau củ đã nấu chín, gọt vỏ hoặc đóng hộp. Tránh trái cây, rau có vỏ, các loại hạt hoặc bắp cải, bông cải xanh, ngô và đậu Hà Lan...vì những loại rau này có thể khiến bụng bị đầy hơi;
    • Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên thay vì 3 bữa ăn lớn, nhai kỹ thức ăn. Ăn thức ăn ấm hơn là thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh;
    • Tránh ăn thức ăn cay hoặc thức ăn có nhiều chất béo. Sữa và thức ăn nhiều đường cũng gây tiêu chảy;
    • Nếu bị tiêu chảy nặng hoặc dai dẳng, người bệnh có thể bị mất nước và cần bổ sung dung dịch điện giải bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.

    2. Thay đổi vị giác

    Nhiều bệnh nhân phàn nàn rằng mùi vị thức ăn không còn giống như trước khi điều trị ung thư, đồng thời thường xuyên có vị kim loại trong miệng. May mắn là tác dụng phụ khi điều trị ung thư này có thể thuyên giảm theo thời gian.

    Khuyến nghị:

    • Ăn hoa quả hoặc đồ chua có thể làm giảm vị kim loại trong miệng;
    • Thực phẩm ướp lạnh có thể dễ tiêu thụ hơn, chẳng hạn như kem sữa, bánh pudding và sốt táo;
    • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi ăn để giúp cải thiện mùi vị thức ăn;
    • Hãy thử sử dụng hương liệu hoặc gia vị mạnh, chẳng hạn như nước trộn salad, để giúp món ăn có hương vị dễ chịu hơn;
    • Nếu vị giác thực sự bị mất đi, người bệnh có thể thử tăng mùi thơm của thực phẩm ăn vào.

    3. Buồn nôn và nôn ói

    Cả hóa trị và xạ trị đều gây nôn ói và khiến người bệnh bị buồn nôn khi điều trị ung thư. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc để chủ động ngăn ngừa hoặc làm giảm những tác dụng phụ khi điều trị ung thư này.

    Trong một số trường hợp, buồn nôn có thể có hoặc không kèm theo nôn ói, đôi khi kéo dài từ vài giờ đến vài tuần sau khi điều trị. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ăn uống của người bệnh.

    Khuyến nghị:

    • Một số bệnh nhân thấy rằng các phương pháp thư giãn hoặc tự thôi miên rất hữu ích trong việc giảm buồn nôn. Hãy trao đổi với bác sĩ để trải nghiệm liệu pháp này;
    • Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên trong ngày thay vì 3 bữa ăn lớn. Buồn nôn thường tồi tệ hơn nếu dạ dày trở nên trống rỗng;
    • Ăn chậm và nhai kỹ hoàn toàn;
    • Ăn thực phẩm lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng. Mùi thức ăn nóng hoặc ấm có thể khiến người bệnh dễ bị buồn nôn hơn;
    • Không trộn thức ăn nóng và lạnh, uống nước quá nhanh hoặc ăn quá nhanh vì dễ gây nôn mửa;
    • Tránh ăn những thứ khó tiêu hóa như thức ăn cay, chiên rán hoặc giàu chất béo, đồ ngọt và nước sốt;
    • Tránh việc chăm sóc răng miệng trong 2 giờ sau khi ăn để tránh buồn nôn;
    • Nghỉ ngơi sau khi ăn: Nếu muốn nằm xuống, hãy nằm nghiêng sang bên phải và giữ đầu nâng cao hơn chân;
    • Uống 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày để ngăn ngừa mất nước do nôn ói. Chọn đồ uống lạnh như soda hay đồ uống có hương vị như kem que, nước ngọt;
    • Cố gắng ăn nhiều thức ăn hơn vào một thời điểm trong ngày khi cảm thấy ít buồn nôn hơn. Nếu cảm thấy buồn nôn khi mới thức dậy, hãy để một 1 bánh quy giòn trên đầu giường và ăn một ít trước khi ra khỏi giường. Một cách khác là thử ăn một bữa ăn giàu protein như thịt nạc hoặc pho mát trước khi đi ngủ, vì protein mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa nên sẽ giúp giảm nôn sau đó;
    • Nếu cần phải dùng thuốc chống buồn nôn, hãy uống từ 30 phút đến 1 giờ trước khi ăn;
    • Sau mỗi lần nôn mửa, hãy súc miệng bằng dung dịch muối nở để làm sạch miệng.

    4. Khô miệng là tác dụng phụ khi điều trị ung thư

    Khô miệng là 1 tác dụng phụ thường xảy ra khi hóa trị hoặc xạ trị ung thư, khiến người bệnh bị giảm vị giác, chán hoặc ăn kém.

    Khuyến nghị:

    • Súc miệng bằng nước trước bữa ăn;
    • Nhai kỹ hoàn toàn viên thức ăn trong miệng, có thể nhấm nháp thêm nước uống hay nước súp thường xuyên trong khi ăn để giữ ẩm cho thức ăn và giúp động tác nuốt dễ dàng hơn;
    • Uống 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày;
    • Súc miệng bằng nước ngọt hoặc thêm chanh vào nước để làm loãng nước bọt;
    • Cố gắng ăn thức ăn mềm với nước sốt, nước dùng, kem chua hoặc nước thịt để giúp thức ăn dễ nuốt hơn. Có thể nhúng bánh mì vào súp để làm ẩm, làm mềm;
    • Ngậm đá bào hoặc kẹo cao su không đường để giữ ẩm cho miệng;
    • Nước bọt nhân tạo và các sản phẩm thay thế có thể làm dịu chứng khô miệng.

    5. Lở loét miệng

    Lở loét miện rất thường gặp sau khi hóa trị ung thư, khiến người bệnh gặp khó khăn cho việc ăn uống. Do đó, người bệnh cần được hướng dẫn cách thực hiện chăm sóc răng miệng hàng ngày để giảm khả năng bị nhiễm trùng.

    Khuyến nghị:

    • Để ngăn ngừa lở miệng: Sử dụng nước súc miệng chuyên dụng hàng ngày để giữ cho răng miệng sạch sẽ và thực hiện việc chăm sóc răng miệng nhiều lần trong ngày bằng cách đánh răng sau mỗi bữa ăn bằng bàn chải nhỏ, mềm và kem đánh răng có chứa fluor. Có thể tự pha nước súc miệng bằng cách hòa tan muối và baking soda vào nước ấm, súc miệng bằng dung dịch này ít nhất 4 đến 6 lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày.
    • Nếu vết loét miệng đã phát triển: Nên uống nước qua ống hút, ăn từ từ, cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ và nhai kỹ. Ăn thức ăn ấm hoặc ở nhiệt độ phòng, tránh thức ăn và đồ uống quá nóng. Ăn thức ăn mềm, mịn hay dạng lỏng có thể giúp giảm đau miệng. Tránh thức ăn giòn như khoai tây chiên và các loại hạt cứng. Không nói chuyện khi có thức ăn trong miệng. Tránh ăn hoặc uống các loại thực phẩm có tính axit như cà chua, cam, bưởi và nước ép, đồ uống có ga.

    6. Phát ban da

    Phát ban trên da hoặc các kích ứng khác có thể xảy ra do hóa trị ung thư, dị ứng với thuốc hoặc nhiễm trùng. Hầu hết phát ban trên da sau hóa trị có thể tự cải thiện nhưng cần thời gian dài để chữa lành hoàn toàn.

    Khuyến nghị:

    • Nhẹ nhàng làm sạch vùng da bị ảnh hưởng bằng cách sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ. Không chà xát da, lau khô da bằng khăn mềm;
    • Không gãi hoặc chà xát vùng da bị tổn thương;
    • Không bôi bất kỳ loại thuốc mỡ, kem dưỡng da hoặc rắc bột mà không được chỉ định;
    • Không thoa mỹ phẩm, kem cạo râu, nước hoa hoặc chất khử mùi lên vùng da bị ảnh hưởng. Chỉ sử dụng dao cạo điện nếu cần cạo lông, râu;
    • Không mặc quần áo bó sát hoặc quần áo làm từ các loại vải thô như len hoặc vải nhung. Những loại vải này có thể gây kích ứng da thêm. Thay vào đó, hãy chọn quần áo làm từ sợi tự nhiên như cotton;
    • Không để vùng da bị ảnh hưởng quá nóng hoặc quá lạnh. Tránh sử dụng đệm sưởi điện, chườm nóng hoặc túi đá;
    • Không để vùng da bị ảnh hưởng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng phản ứng da của bạn và dẫn đến cháy nắng nghiêm trọng. Do đó, khi ra ngoài trời, nên đội mũ rộng vành hoặc mặc quần áo bảo hộ, dùng kem chống nắng có SPF 30 hoặc cao hơn.

    7. Rụng tóc

    Các nang tóc rất nhạy cảm với xạ trị và hóa trị. Cả 2 phương pháp điều trị ung thư này đều gây rụng tóc. May mắn là rụng tóc có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Dù tóc có thể bắt đầu mọc trở lại khoảng 3 đến 6 tháng sau đó nhưng chúng có thể thay đổi kết cấu hoặc màu sắc so với trước đây.

    Khuyến nghị:

    • Nên đeo khăn quàng đầu, đội mũ hoặc đội tóc giả;
    • Tránh gội đầu thường xuyên, sử dụng dầu gội dịu nhẹ (chẳng hạn như dầu gội dành cho trẻ em) không có nước hoa;
    • Gội sạch da đầu bằng nước ấm, tránh cọ xát và không gãi. Lau khô bằng khăn mềm;
    • Tránh chải tóc quá nhiều;
    • Tránh sử dụng keo xịt tóc, dầu hoặc kem;
    • Tránh sử dụng các nguồn nhiệt trên tóc (bao gồm máy sấy tóc, lô cuốn hoặc máy uốn tóc);
    • Không uốn hoặc nhuộm tóc;
    • Bảo vệ đầu khỏi ánh nắng, gió lạnh bằng cách đội mũ che đầu, khăn quàng cổ.

    8. Mất ngủ

    Nhiều bệnh nhân khó ngủ trong thời gian nằm viện điều trị ung thư. Nguyên nhân gây mất ngủ có thể vì khó chịu do buồn nôn, lở miệng hoặc các vấn đề khác. Những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày, kế hoạch cuộc đời do bệnh ung thư cũng có thể là những yếu tố góp phần.

    Khuyến nghị:

    • Nếu hoàn toàn không ngủ được, người bệnh có thể cần được kê đơn thuốc giúp dễ ngủ.
    • Thực hành các kỹ thuật thư giãn như tưởng tượng tinh thần, hít thở sâu, đọc sách hoặc nghe nhạc êm dịu.
    • Hãy chắc chắn rằng môi trường để ngủ thoải mái, ấm áp và kín đáo.
    • Tránh ngủ trưa quá nhiều trong ngày. Đồng thời, hãy nhớ cân bằng hoạt động với nghỉ ngơi.
    • Nếu cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, hãy nói chuyện với vợ/chồng, một người bạn đáng tin cậy hay chuyên gia tư vấn để loại bỏ những rắc rối ra khỏi tâm trí.

    9. Ảnh hưởng chức năng tình dục

    Hóa trị và xạ trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong và cả sau khi điều trị. Bên cạnh đó, những yếu tố làm giảm ham muốn tình dục cũng có thể góp phần như thay đổi nội tiết tố, mệt mỏi, đau đớn hoặc điều trị ung thư làm thay đổi hình ảnh bản thân như rụng tóc, suy kiệt, dẫn tới mặc cảm, tự ti. Một số phụ nữ bị gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt có thể được dùng liệu pháp thay thế hormone để giảm các triệu chứng mãn kinh. Một số nam giới có thể bị giảm số lượng tinh trùng sau khi điều trị ung thư có thể cần can thiệp sinh sản.

    Khuyến nghị:

    • Thẳng thắn trao đổi về khả năng sinh sản, hoạt động tình dục với người bạn đời để có sự đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ nhau;
    • Thảo luận những lo lắng về khả năng sinh sản và mong muốn có con đối với vấn đề điều trị ung thư để được hỗ trợ, can thiệp từ đầu. Có một số cách để tăng cơ hội có con sau khi điều trị ung thư như ngân hàng tinh trùng, trứng hay các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương;
    • Những lo lắng về việc không thể có con có thể gây ảnh hưởng tinh thần, đôi khi cần trợ giúp về mặt tâm lý và chỉ định dùng thuốc hướng thần;
    • Mặc dù có nguy cơ vô sinh khi điều trị ung thư nhưng khả năng có thai vẫn có thể xảy ra. Do đó, cần tuân thủ các biện pháp tránh thai hiệu quả trong và sau một thời gian nhất định khi điều trị ung thư để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi.

    Tóm lại, điều trị ung thư có tác dụng phụ đi kèm là điều khó tránh khỏi. Do đó, giảm các tác dụng phụ này là một phần quan trọng của chăm sóc ung thư và có thể được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Điều quan trọng là bác sĩ phải theo dõi, phát hiện sớm cũng như người bệnh được khuyến khích bộc lộ những khó chịu này là nền tảng cơ bản để có thể quản lý và điều trị bệnh lý ác tính hiệu quả toàn diện.

    Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

     

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn