Tăng áp lực sọ não ở bệnh nhân ung thư

    Tăng áp lực sọ não ở bệnh nhân ung thư

    Ung thư được hiểu một cách đơn giản là sự phát sinh, phát triển hoặc tăng sinh không kiểm soát của các tế bào. Những tình trạng này sẽ kéo theo các hệ lụy như choán chỗ, chèn ép, xâm lấn, hoại tử, thủng, vỡ, suy chức năng các cơ quan hoặc rối loạn chuyển hóa cơ thể. Do đó, thực tế có nhiều tình trạng cấp cứu y khoa do ung thư gây ra. Trong đó, tăng áp lực sọ não trong ung thư là một tình trạng như vậy.

    1. Áp lực sọ não là gì?

    Các cấu trúc của não bộ gồm hộp sọ, ống tủy sống và lớp màng cứng bên ngoài tạo thành một khoang chứa. Bên trong khoang này bao gồm nhu mô não, máu và dịch não tủy. Trong số đó:

    • Nhu mô não có thể tích trung bình khoảng 1.400ml;
    • Dịch não tủy khoảng từ 52 - 160 ml;
    • Máu khoảng 150ml.

    Chính các thành phần trên sẽ tạo nên áp lực nội sọ. Bình thường, áp lực này ở người lớn khoảng từ 8-18mmHg, trẻ em khoảng từ 10-20 mmHg.

    Trong điều kiện sinh lý bình thường, áp lực nội sọ có thể thay đổi trong một số tình trạng như:

    • Tăng lên khi tim co bóp ở thì tâm thu để đưa máu lên não;
    • Giảm khi hít vào và tăng khi thở ra;
    • Các hoạt động như rặn hoặc đè ép vào tĩnh mạch cổ.

    Tăng áp lực nội sọ được định nghĩa là khi áp lực nội sọ tăng kéo dài trên 20 mmHg/cmH2O và tình trạng này có thể dẫn đến một số tình trạng như

    • Giảm tưới máu não;
    • Tụt não: Nhu mô não có thể di chuyển từ nơi có áp lực cao sang nơi có áp lực thấp dẫn đến chèn ép và thiếu máu cục bộ;
    • Suy giảm ý thức, có thể hôn mê và tử vong.

    Một trong những bệnh cảnh của tình trạng nguy hiểm này là tăng áp lực sọ não do ung thư.

    2. Nguyên nhân tăng áp lực sọ não trong ung thư

    Thâm nhiễm tế bào ung thư vào não hoặc do khối u não:

    • Các khối u ở não là nguyên nhân hay gặp nhất gây tăng áp lực sọ não trong ung thư. Trong đó, u di căn tỷ lệ cao gấp 10 lần so với các u não nguyên phát;
    • Các loại ung thư hay di căn đến não là ung thư phổiung thư vú và ung thư tế bào hắc tố;
    • Vị trí di căn ở não thường gặp nhất là vị trí ranh giới giữa chất trắng và chất xám hoặc vị trí mạch máu thay đổi đường kính;

    Tăng áp lực sọ não trong ung thư do rối loạn lưu thông, sản xuất dịch não tủy:

    • Các khối u gây cản trở lưu thông dịch não tủy hoặc ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa quá trình sản xuất/hấp thu dịch não tủy là nguyên nhân chính gây tăng áp lực sọ não;
    • Khối u hoặc sự thâm nhiễm các tế bào ung thư có thể gây tắc đường lưu thông của dịch não tủy, nhất là tại các vị trí “thắt cổ chai” như lỗ Monro, rãnh Sylvius, các lỗ Magendie và Luschka;
    • Một số u não nguyên phát có thể gây tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy ngay ở giai đoạn sớm.

    Tình trạng phù não: Một số tổn thương ở não (như thâm nhiễm, khối u, xuất huyết trong u, tổn thương do hóa trị...) là những yếu tố dẫn đến phù não cục bộ hay lan tỏa và làm tăng áp lực nội sọ.

    Các biến chứng của ung thư: Những bệnh nhân ung thư là đối tượng có nguy cơ cao mắc các biến chứng như nhồi máu não, xuất huyết trong khối u, động kinh... và những tình trạng này góp phần làm tăng áp lực sọ não trong ung thư.

    tăng áp lực sọ não trong ung thư

    Khối u ở não là nguyên nhân gây tăng áp lực sọ não trong ung thư

    3. Dấu hiệu tăng áp lực sọ não trong ung thư

    Bệnh nhân tăng áp lực nội sọ do bệnh lý ung thư có thể gặp các triệu chứng sau:

    • Đau đầu: Đây là dấu hiệu hay gặp nhất và thường xảy ra sớm nhất. Đau đầu điển hình thường tăng về nửa đêm, gần sáng với mức độ tăng dần và không theo mạch đập. Một số tính chất khác của đau đầu trong tăng áp lực nội sọ là đáp ứng tốt với thuốc giảm đau thông thường (paracetamol, aspirin...) ở giai đoạn đầu và kém đáp ứng ở giai đoạn sau, đau đầu giảm ngay sau khi nôn;
    • Buồn nôn, nôn ói: Dấu hiệu này hay xảy ra vào buổi sáng khi bụng đói. Giai đoạn đầu chỉ có cảm giác buồn nôn nhưng thời gian sau đau đầu tăng sẽ kèm theo nôn ói với mức độ tăng dần, đặc biệt có thể có tình trạng nôn vọt;
    • Rối loạn ý thức: Người bệnh chậm chạp, thờ ơ, lãnh đạm, rối loạn trí nhớ, lú lẫn, ngủ gà rồi hôn mê;

    Thông qua thăm khám kỹ lưỡng, bác sĩ có thể phát hiện một số triệu chứng của tăng áp lực sọ não trong ung thư như:

    • Phù gai thị: Mức độ phù sẽ phụ thuộc vào thời gian và mức độ tăng áp lực nội sọ;
    • Các dấu hiệu thần kinh khu trú: Các dấu hiệu này có thể giúp xác định vị trí tổn thương não bộ như rối loạn nhận thức, rối loạn thị giác, rối loạn chuyển động mắt, bất thường đồng tử, cổ cứng;
    • Các dấu hiệu toàn thân khác như rối loạn nhịp thở, tăng huyết áp hoặc nhịp tim chậm;
    • Tăng áp lực sọ não do ung thư thường không có/có rất ít triệu chứng nếu áp lực tăng từ từ, tuy nhiên khi áp lực nội sọ tăng quá cao, xuất huyết trong khối u hoặc tụt não thì các triệu chứng tiến triển rầm rộ trong thời gian ngắn.

    4. Một số xét nghiệm chẩn đoán tăng áp lực nội sọ

    4.1. Chụp X quang hộp sọ

    Chụp X quang hộp sọ thẳng và nghiêng có thể gặp các dấu hiệu như các khớp sọ giãn rộng, xương sọ mỏng, không đều, dấu ấn ngón tay;

    4.2. Chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT scan)

    Hình ảnh CT sọ não có thể phát hiện các dấu hiệu gián tiếp của tăng áp lực nội sọ như: khối u choán chỗ, khối u gây tắc nghẽn dòng chảy của dịch não tủy, khối u đè ép làm biến dạng não thất, gây phù não, tình trạng xuất huyết trong khối u, thoát vị não...

    4.3. Chụp cộng hưởng từ sọ não

    Tương tự chụp cắt lớp vi tính, MRI sọ não có thể phát hiện các dấu hiệu gián tiếp của tăng áp lực sọ não trong ung thư.

    4.4. Đo áp lực nội sọ

    Hiện nay có một số phương pháp giúp xác định áp lực nội sọ. Trong đó, phương pháp trực tiếp là đặt một catheter vào hộp sọ, thường áp dụng trong chấn thương sọ não để xác định thời điểm can thiệp phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ có thể đo áp lực nội sọ gián tiếp bằng cách siêu âm đo đường kính vỏ thần kinh thị giác.

    4.5. Siêu âm Doppler xuyên sọ

    Đây là phương pháp rất hữu ích để theo dõi quá trình tưới máu não và tình trạng co thắt các mạch máu não.

    5. Chẩn đoán tăng áp lực sọ não trong ung thư

    Chẩn đoán tăng áp lực sọ não do ung thư thường dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và kết quả một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Trong đó, đo áp lực nội sọ là biện pháp trực tiếp và có giá trị nhất để xác định chẩn đoán, tuy nhiên nhược điểm là cần can thiệp phẫu thuật thần kinh để đặt máy đo áp lực sọ não.

    Những bệnh nhân ung thư nghi ngờ tăng áp lực nội sọ, bác sĩ nên tập trung khai thác các dấu hiệu tụt não như suy giảm ý thức, phù nề, bất thường đồng tử, bất thường chuyển động mắt, bất thường tư thế, buồn nôn, nôn ói và cứng cổ. Ngoài ra, bộ 3 thay đổi về nhịp thở, tăng huyết áp và nhịp tim chậm trong tăng áp lực nội sọ được gọi là phản xạ Kocher-Cushing thường gặp ở giai đoạn muộn.

    6. Xử trí tăng áp lực sọ não do ung thư

    Điều trị tăng áp lực sọ não trong ung thư sẽ bao gồm:

    • Điều trị tăng áp lực nội sọ: Các biện pháp xử trí nên tập trung vào vấn đề giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh, đặc biệt là thiếu máu não và kẹt não.
    • Điều trị các nguyên nhân liên quan;
    • Điều trị bệnh chính (ung thư): Các biện pháp điều trị ung thư rất đa dạng, tùy thuộc vào loại, giai đoạn ung thư và tổng trạng của người bệnh.

    Các biện pháp nội khoa giúp điều trị tình trạng tăng áp lực nội sọ bao gồm:

    • Người bệnh nằm đầu cao nếu không có hạ huyết áp, tốt nhất cho người bệnh nằm nơi yên tĩnh nếu vẫn tỉnh táo;
    • Cung cấp đủ oxy;.
    • Duy trì huyết áp cao hơn so với huyết áp nền;
    • Tránh các động tác, tư thế có thể gây tăng áp lực nội sọ hoặc tụt não;
    • Kiểm soát áp lực thẩm thấu huyết tương ở mức bình thường cao;
    • Điều chỉnh nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan: Khuyến cáo sử dụng các dung dịch đẳng trương và tránh dùng các loại dịch nhược trương;
    • Lợi tiểu thẩm thấu bằng cách truyền các dịch tăng thẩm thấu như mannitol hoặc glycerol;
    • Sử dụng Corticosteroid: Đây là loại thuốc hiệu quả để kiểm soát ban đầu tăng áp lực nội sọ do phù mạch.
    • Tăng áp lực nội sọ thứ phát do một số loại thuốc đòi hỏi bác sĩ phải giảm liều hoặc ngừng các thuốc đó:
    • Các biện pháp hỗ trợ khác bao gồm hạ sốt, kháng sinh, kháng virus, chống nấm nếu có nhiễm trùng;
    • Điều chỉnh huyết áp nếu xảy ra tình trạng xuất huyết não;
    • Các thuốc chống co giật như: phenytoin hoặc carbamazepine có thể được dùng cho các bệnh nhân bị co giật.

    Tóm lại, tăng áp lực sọ não do ung thư là một trong những tình trạng cấp cứu nguy hiểm. Do đó, việc nhận biết các triệu chứng để đến các cơ sở y tế sớm giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh ảnh hưởng đến tính mạng ở những bệnh nhân vốn đã suy giảm sức khỏe do ung thư.

    Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn