Ung thư thực quản giai đoạn 4: Những điều cần biết

    Ung thư thực quản giai đoạn 4: Những điều cần biết

    “Ung thư thực quản giai đoạn cuối” - một chẩn đoán khiến nhiều bệnh nhân hoang mang và lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ trình bày những điều mà một bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4 cần biết khi đối diện với chẩn đoán này.

    1. Ung thư thực quản là gì?

    Thực quản là cơ quan thuộc ống tiêu hóa đi từ cổ họng đến dạ dày. Ung thư thực quản là bệnh lý ác tính do sự phát triển mất kiểm soát của các tế bào biểu mô thực quản. Dựa vào đặc điểm giải phẫu bệnh, ung thư thực quản được chia thành hai nhóm chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến.

    Triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn sớm thường không rõ ràng. Do đó, bệnh nhân ung thư thực quản thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như hạch cổ, gan, phổi, não,... lúc này ung thư thực quản được xếp vào giai đoạn 4.

    Một số yếu tố có liên quan đến ung thư thực quản có thể kể đến như:

    • Tuổi: Bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao hơn.
    • Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
    • Thừa cân, béo phì: Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn người bình thường.
    • Loét thực quản: Loét thực quản, trào ngược dạ dày thực quản kéo dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
    • Tiền sử mắc ung thư ở vùng đầu cổ: Người có tiền sử mắc ung thư đầu cổ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn người bình thường.

    2. Các biểu hiện của bệnh ung thư thực quản giai đoạn 4

    Ung thư thực quản giai đoạn cuối có biểu hiện đa dạng, phức tạp, tùy vào tổn thương tại chỗ, tại vùng và vị trí ung thư di căn đến. Các triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối bao gồm:

    2.1. Triệu chứng toàn thân

    Bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4 thường có thể trạng gầy, suy kiệt do dinh dưỡng kém. Bệnh nhân có thể bị sụt cân nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn.

    2.2. Triệu chứng do tổn thương tại thực quản

    Khối u thực quản ở giai đoạn 4 thường có kích thước lớn, gây ra các triệu chứng như:

    • Nuốt nghẹn, nuốt đau: Nuốt nghẹn là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối. Bệnh nhân thường nuốt vướng, nuốt đau với thức ăn đặc, sau đó nuốt nghẹn với thức ăn lỏng, thậm chí có cảm giác nghẹn, vướng khi nuốt nước bọt. Thức ăn bị mắc kẹt có thể bị trào ngược và đi vào đường hô hấp gây nên tình trạng viêm phổi do hít sặc.
    • Đau vùng ngực cục bộ: Khối u thực quản kích thước lớn có thể chèn ép khiến bệnh nhân có cảm giác đau cục bộ quanh vùng ngực.
    • Các triệu chứng khác: Khàn giọng, ho ra máu, buồn nôn, ợ nóng, khó tiêu,... là các triệu chứng khác có thể gặp ở bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn giai đoạn cuối.

    2.3. Triệu chứng di căn hạch bạch huyết

    Ung thư thực quản giai đoạn cuối thường kèm với tình trạng di căn hạch bạch huyết, thường thấy trên lâm sàng là di căn hạch vùng cổ. Bệnh nhân có thể phát hiện bệnh thông qua hạch thượng đòn hay hạch cổ hai bên với dấu hiệu hạch sưng to, cứng chắc, kém di động, hạch có thể sùi loét ra da gây nhiễm trùng và đau nhức dữ dội. Hạch cổ kích thước lớn cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân khó nuốt.

    2.4. Triệu chứng tại các cơ quan thứ phát (di căn xa)

    Ung thư thực quản giai đoạn 4 di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể và gây ra các triệu chứng ở các cơ quan tương ứng tùy vào vị trí và mức độ tổn thương di căn.

    • Ung thư thực quản di căn phổi: Khi tổn thương thứ phát tại phổi còn nhỏ, bệnh nhân ung thư thực quản có thể không có triệu chứng tại phổi. Tuy nhiên, khi tổn thương phổi lớn dần và chèn vào các đường dẫn khí, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở, ho ra máu, hay tràn dịch màng phổi,...
    • Ung thư thực quản di căn xương: Tổn thương di căn xương có thể khiến bệnh nhân ung thư thực quản đau nhức xương và dễ bị gãy xương.
    • Ung thư thực quản di căn gan: Khi ung thư thực quản di căn đến gan, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như: Mệt mỏi, đau bụng vùng hạ sườn phải, chán ăn, báng bụng, vàng da,...

    3. Điều trị ung thư thực quản giai đoạn 4

    Trước khi tiến hành điều trị, bệnh nhân ung thư thực quản sẽ được đánh giá đặc điểm bệnh học, giai đoạn bệnh, thể trạng, bệnh kèm theo (nếu có),... để cân nhắc phương án điều trị tối ưu. Đối với ung thư thực quản giai đoạn 4, mục đích điều trị chính chủ yếu là kiểm soát sự phát triển của khối u, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, điều trị hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng, duy trì dinh dưỡng nâng cao thể trạng, kéo dài và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

    3.1. Mở thông dạ dày nuôi dưỡng

    Bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối thường khó khăn trong việc ăn uống do khối u thực quản lớn. Do đó, để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân, bác sĩ có thể cân nhắc mở thông dạ dày nuôi dưỡng.

    3.2. Hóa trị

    Hóa trị (có thể kèm với xạ trị, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch) có thể được cân nhắc ở bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4. Ung thư biểu mô tuyến đáp ứng tốt với hóa trị hơn ung thư biểu mô tế bào vảy.

    3.3. Xạ trị

    Xạ trị có thể được chỉ định ở bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối để thu nhỏ khối u và giảm nhẹ triệu chứng nuốt đau, nuốt vướng. Xạ trị thường kết hợp đồng thời với hóa trị hoặc cũng có thể xạ trị đơn thuần.

    3.4. Liệu pháp nhắm trúng đích

    Liệu pháp nhắm mục đích có thể được chỉ định trong điều trị ung thư biểu mô tuyến đoạn nối thực quản - dạ dày giai đoạn 4.

    Các liệu pháp nhắm trúng đích trong ung thư thực quản có thể kể đến như:

    • Trastuzumab: Trastuzumab thường kết hợp với hóa trị để điều trị các khối u có Her-2 dương tính.
    • Ramucirumab: Ramucirumab là kháng thể đơn dòng có tác dụng ức chế thụ thể VEGF 2. Ramucirumab đã được FDA Mỹ chấp thuận trong điều trị ung thư biểu mô tuyến đoạn nối thực quản - dạ dày đã thất bại với các phác đồ hóa trị trước đó. Có thể kết hợp Ramucirumab kết hợp với hóa chất hoặc đơn trị Ramucirumab.

    3.5. Liệu pháp miễn dịch

    Liệu pháp miễn dịch có thể được chỉ định ở bệnh nhân K thực quản giai đoạn 4.

    • Pembrolizumab có thể kết hợp với Cisplatin và Fluorouracil như điều trị đầu tay đối với ung thư biểu mô tế bào vảy của thực quản, hoặc ung thư biểu mô tuyến đoạn nối thực quản - dạ dày Her-2 âm tính.
    • Nivolumab được chỉ định trong điều trị ung thư thực quản giai đoạn 4A nếu có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ u. Nivolumab cũng được chỉ định ở bệnh nhân còn tế bào ung thư sau liệu pháp tân bổ trợ với hóa xạ đồng thời và phẫu thuật. Ngoài ra, Nivolumab còn có thể kết hợp với hóa chất (Cisplatin và Fluorouracil hoặc Carboplatin và Fluorouracil) để điều trị ung thư biểu mô tuyến ở đoạn nối thực quản - dạ dày.

    3.6. Phẫu thuật

    Hầu hết bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4 quá chỉ định phẫu thuật. Dù vậy, trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4A có thể phẫu thuật nếu chỉ di căn đến các hạch bạch huyết gần đó.

    3.7. Chăm sóc giảm nhẹ

    Điều trị hỗ trợ, chăm sóc giảm nhẹ có vai trò hết sức quan trọng trong điều trị ung thư thực quản giai đoạn 4, với mục tiêu không chỉ giúp kéo dài bệnh mà còn phải nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

    4. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối

    Bệnh nhân ung thư thực quản thường khó khăn trong việc ăn uống do khối u thực quản cản trở lưu thông tiêu hóa. Dưới đây là các khuyến cáo liên quan đến dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối:

    • Trong trường hợp bệnh nhân vẫn có thể nuốt được, khuyến cáo nên ăn những loại thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu.
    • Đối với ung thư thực quản gây hẹp nhiều, dinh dưỡng của bệnh nhân có thể phải nhờ vào sonde dạ dày bơm ăn sau khi được phẫu thuật mở thông dạ dày.
    • Khi dinh dưỡng bằng đường tiêu hóa không thể tiến hành hoặc khả năng dung nạp với thức ăn kém, bệnh nhân có thể được bổ sung dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch.

    Trên đây là những thông tin về ung thư thực quản. Nếu bạn phát hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ ung thư thực quản, cần tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa Ung bướu ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

    .Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

    Nguồn tham khảo: vienyhocungdung.vn; www.cancer.or; cancer.ca

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn