Các biện pháp điều trị ung thư đại tràng

    Các biện pháp điều trị ung thư đại tràng

    Mỗi năm ở nước ta có khoảng 94.000 người tử vong và 150.000 trường hợp mắc mới ung thư. Trong đó ung thư đại trực tràng xếp hạng thứ 5. Ung thư đại tràng phát hiện sớm có tỷ lệ điều trị khỏi lên đến 90%, rất nhiều người bệnh vẫn sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Vậy câu hỏi đặt ra là cần chẩn đoán và điều trị ung thư đại tràng bằng cách nào?

    1. Những yếu tố nguy cơ mắc ung thư đại tràng

    Trước khi tìm hiểu cách điều trị ung thư đại tràng, chúng ta cần tìm hiểu tổng quan về căn bệnh này, đặc biệt là các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ung thư đại tràng thường gặp ở những đối tượng sau:

    • Người trên 50 tuổi;
    • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư hoặc polyp đại tràng;
    • Người có tiếp xúc với các chất gây ung thư trong môi trường, chế độ ăn uống hoặc lối sống không khoa học;
    • Ung thư đại tràng gặp ở nam giới nhiều hơn phụ nữ;
    • Người mắc bệnh viêm ruột, bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng;
    • Bệnh nhân đái tháo đường.

    Một số yếu tố nguy cơ khác dẫn đến ung thư đại tràng:

    • Thói quen hút thuốc lá, đặc biệt ở người hút thuốc lá lâu năm;
    • Thường xuyên sử dụng bia rượu;
    • Người béo phì và thừa cân;
    • Người lười hoạt động thể lực;
    • Chế độ dinh dưỡng giàu thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, ít bổ sung trái cây tươi và rau xanh.

    2. Biểu hiện của ung thư đại tràng

    • Rối loạn tiêu hóa kéo dài, bao gồm thường xuyên đau bụng trước hoặc sau khi ăn kiểu đau quặn, chán ăn, ăn uống khó tiêu, dễ đầy hơi, chướng bụng, giảm cảm giác ngon miệng... Rối loạn tiêu hóa kéo dài dẫn đến cơ thể mệt mỏi, sụt cân;
    • Sụt cân bất thường: Không xuất phát do tập luyện hay chế độ ăn kiêng. Sụt cân bất thường là biểu hiện của nhiều bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc đường tiêu hóa;
    • Rối loạn bài tiết phân, bao gồm táo bón, tiêu lỏng thất thường và thường kéo dài;
    • Đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi tiêu;
    • Phân nhầy và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp;
    • Phân mỏng, dẹt so với bình thường gợi ý do khối u chèn ép khiến phân bị chặn lại;
    • Xuất hiện máu trong phân, có thể là máu đỏ tươi, nhỏ giọt hoặc phủ bề mặt phân;
    • Cơ thể mệt mỏi và suy nhược: Triệu chứng này tuy phổ biến nhưng không đặc hiệu nên rất dễ bỏ sót. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do đi tiêu máu.

    3. Phân độ ung thư đại tràng

    Ung thư đại tràng phát triển với 4 giai đoạn chính, phân loại dựa trên cấu trúc của đại tràng và cách tế bào di căn đến cơ quan khác. Giai đoạn càng muộn thì tiên lượng sống càng giảm và hiệu quả của các biện pháp điều trị ung thư đại tràng càng thấp.

    • Giai đoạn 1: Là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, đặc trưng là tình trạng ung thư biểu mô tại chỗ. Ung thư đại tràng giai đoạn 1 chỉ phát hiện tế bào ung thư ở niêm mạc và phát triển trong các lớp của đại tràng;
    • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư bắt đầu lan ra ngoài đại tràng và di căn tới các khu vực xung quanh. Giai đoạn 2 phân thành các giai đoạn nhỏ bao gồm 2A, 2B và 2C dựa vào mức độ di căn của tế bào ung thư:
      • Giai đoạn 2a: Tế bào ung thư đã phát triển xuyên qua lớp cơ vào lớp thanh mạc của đại tràng, đặc biệt các tế bào ác tính mặc dù phát triển ra lớp ngoài cùng của đại tràng nhưng không lan sang các mô hay hạch bạch huyết lân cận;
      • Giai đoạn 2b: Tế bào ung thư phát triển đến lớp phúc mạc, chưa tấn công các hạch bạch huyết gần đó hoặc cơ quan xung quanh;
      • Giai đoạn 2c: Khối u đã lan rộng xuyên qua các lớp của đại tràng và phát triển hoặc dính trực tiếp vào các cấu trúc lân cận nhưng không lây lan đến các hạch bạch huyết gần đó;
    • Giai đoạn 3: Ung thư đại tràng giai đoạn này đặc trưng bởi tình trạng di căn các tế bào ung thư đến hạch bạch huyết lân cận, được chia thành giai đoạn 3A, 3B và 3C dựa trên số lượng hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bởi tế bào ác tính;
    • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối cùng của ung thư đại tràng khi các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.

    4. Sàng lọc ung thư đại tràng như thế nào?

    • Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT): Các mạch máu của polyp hoặc khối u đại tràng rất dễ bị tổn thương khi phân đi qua, do đó thường xảy ra tình trạng máu dính vào phân. Tuy nhiên, khi số lượng máu ít thì chưa phát hiện được thấy bằng mắt thường nên cần đến xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Tình trạng có máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ... Vì vậy, nếu xét nghiệm FOBT dương tính cần tiến hành nội soi đại trực tràng ống mềm để kiểm tra;
    • Nội soi đại tràng: Phương pháp này giúp đánh giá toàn bộ hình ảnh của đại tràng và trực tràng. Nếu phát hiện polyp, bác sĩ có thể trực tiếp cắt bỏ, đồng thời sinh thiết mô để tìm kiếm có tế bào ác tính hay không. Ngoài phát hiện ung thư đại tràng, nội soi còn có thể phát hiện các bệnh lý khác ở cơ quan tiêu hóa này.

    5. Điều trị ung thư đại tràng bằng cách nào?

    5.1. Phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng

    Phẫu thuật là cách điều trị ung thư đại tràng giúp điều trị khỏi hoàn toàn ở 70% trường hợp ung thư chưa di căn. Phẫu thuật bao gồm cắt bỏ rộng khối u, dẫn lưu bạch huyết xung quanh cùng với duy trì chức năng đoạn đại tràng bình thường.

    Bên cạnh đó, phẫu thuật cắt bỏ một số lượng hạn chế di căn gan được khuyến cáo ở một số bệnh nhân là bước tiêu theo trong quá trình điều trị ung thư đại tràng. Chỉ định này thực hiện ở bệnh nhân đã cắt bỏ khối u đại tràng nguyên phát, có kèm di căn ở một thùy gan và không có di căn ngoài gan. Tuy nhiên chỉ có một số ít bệnh nhân ung thư đại tràng di căn gan đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên, nhưng việc thực hiện sẽ giúp thời gian sống thêm 5 năm của người bệnh đạt 25%.

    5.2. Xạ trị

    Xạ trị là cách điều trị ung thư đại tràng thông qua việc sử dụng bức xạ ion hóa năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ác tính. Xạ trị ung thư đại tràng có thể giúp chữa khỏi bệnh, kéo dài thời gian sống và giảm các triệu chứng của người bệnh.

    5.3. Theo dõi ung thư đại tràng

    Sau phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng, người bệnh cần thực hiện nội soi đại tràng theo dõi bệnh sau ít nhất 1 năm. Nếu nội soi lần đầu không phát hiện bất thường hay polyp, nội soi theo dõi lần 2 nên thực hiện sau khoảng 3 năm. Sau đó, nội soi đại tràng nên thực hiện mỗi 5 năm một lần. Nếu nội soi đại tràng toàn bộ không thực hiện được trước phẫu thuật do khối u chèn ép, người bệnh cần thực hiện nội soi lại sau 3 đến 6 tháng kể từ thời điểm phẫu thuật để phát hiện các tổn thương phối hợp hoặc cắt bỏ các polyp tiền ung thư.

    Ngoài ra, một số biện pháp sàng lọc để phát hiện ung thư đại tràng tái phát bao gồm hỏi tiền sử, khám lâm sàng và xét nghiệm nồng độ CEA máu mỗi 3 tháng trong 3 năm và sau đó mỗi 6 tháng trong 2 năm. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh (như CT hoặc MRI) được khuyến cáo chụp mỗi năm 1 lần nhưng lợi ích chưa rõ ràng, đặc biệt biểu hiện lâm sàng hoặc xét nghiệm máu không ghi nhận bất thường.

    5.4. Điều trị giảm nhẹ

    Nếu phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng không khả thi hoặc bệnh nhân không chấp nhận nguy cơ phẫu thuật, các biện pháp điều trị giảm nhẹ có thể đặt ra (bao gồm cả phẫu thuật giải quyết tắc ruột hoặc cắt đoạn ruột thủng) với mục tiêu cải thiện thời gian sống thêm trung bình 7 tháng. Một số khối u đại tràng gây tắc nghẽn có thể phẫu thuật cắt khối u bằng điện đông hoặc đặt stent. Hóa trị liệu có thể mang lại hiệu quả làm teo nhỏ khối u và kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh thêm vài tháng.

    Các loại thuốc điều trị ung thư đại tràng mới được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp bao gồm Capecitabine (tiền chất 5-fluorouracil), Irinotecan và Oxaliplatin. Các kháng thể đơn dòng như Bevacizumab, Cetuximab và Panitumumab đang được sử dụng cũng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên không có phác đồ nào hiệu quả hơn để kéo dài sự sống ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn, mặc dù một số phác đồ đã được chứng minh là có thể hỗ trợ chậm sự tiến triển của ung thư.

    Khi ung thư đại tràng di căn gan được xác định, nhưng không thể phẫu thuật cắt bỏ, điều trị truyền hóa chất động mạch gan bằng Floxuridine hoặc hạt vi cầu phóng xạ ngắt quãng tại khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc truyền hóa chất liên tục qua bơm cấy dưới da hoặc đeo ngoài cơ thể có hiệu quả hơn so với hóa chất toàn thân. Tuy nhiên, hiệu quả và lợi ích của các phương pháp điều trị ung thư đại tràng di căn trên vẫn chưa rõ ràng. Khi khối u di căn gan lẫn ngoài gan, truyền hóa chất qua động mạch gan không mang lại hiệu quả cao hơn so với liệu pháp hóa trị liệu toàn thân. Đối với một số bệnh nhân có di căn với ít hơn 3 tổn thương gan có thể cân nhắc xạ trị bằng xạ hình hoặc cắt đốt bằng nhiệt.

    Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn