Các phương pháp và cách tiếp cận điều trị ung thư vòm hầu

    Các phương pháp và cách tiếp cận điều trị ung thư vòm hầu

    Sau khi phát hiện và phân giai đoạn ung thư vòm hầu (NPC), nhóm chăm sóc ung thư sẽ thảo luận với bạn về các lựa chọn điều trị. Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, sức khỏe tổng quát và các yếu tố khác, các lựa chọn điều trị ung thư vòm hầu của bạn có thể bao gồm:

    • Phẫu thuật
    • Xạ trị
    • Hóa trị
    • Liệu pháp nhắm trúng đích
    • Liệu pháp miễn dịch

    1. Phẫu thuật

    Vì vòm hầu là nơi khó để phẫu thuật và vì các phương pháp điều trị khác thường cho hiệu quả tốt hơn, nên phẫu thuật thường không phải là phương pháp điều trị chính đối với ung thư vòm hầu. Phẫu thuật gồm:

    • Phẫu thuật cắt bỏ khối u
    • Phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết: khi các phương pháp điều trị khác không đáp ứng

    2. Xạ trị

    Xạ trị sử dụng tia X hoặc hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm tốc độ phát triển của chúng. Xạ trị thường là một phần điều trị chính của ung thư vòm hầu vì hầu hết các ung thư này rất nhạy với tia xạ.

    Đối với nhiều trường hợp NPC, hóa trị được chỉ định cùng với xạ trị để tăng hiệu quả, được gọi là hóa xạ trị đồng thời, có thể hiệu quả hơn so với xạ trị đơn độc, nhưng cũng có xu hướng có nhiều tác dụng phụ hơn.

    Xạ trị thường áp dụng cho cả khối u chính và các hạch bạch huyết lân cận ở cổ.

    2.1 Các loại xạ trị điều trị NPC

    Xạ trị chùm tia ngoài (external beam radiation therapy-EBRT)

    Loại xạ trị này sử dụng tia X nhắm vào khối u từ một máy lớn. Đây là hình thức xạ trị áp dụng phổ biến nhất cho NPC. Xạ trị giống như chụp X-quang, nhưng bức xạ mạnh hơn. Nó không gây đau và máy không chạm vào bạn. Mỗi lần điều trị chỉ kéo dài trong vài phút, nhưng để lên kế hoạch - đưa bạn vào vị trí điều trị - mất nhiều thời gian hơn. Thông thường, xạ trị được thực hiện 5 ngày một tuần trong khoảng 7 tuần.

    Xạ trị gần (xạ trị trong=brachytherapy=internal radiation)

    Tác động đến tế bào ung thư mà không gây hại nhiều cho các mô khỏe mạnh gần đó, ít được sử dụng hơn xạ trị ngoài

    Xạ trị trong có thể được sử dụng nếu ung thư tái phát sau điều trị EBRT.

    Đôi khi, xạ trị trong và ngoài được sử dụng cùng nhau.

    2.2 Tác dụng phụ có thể có của xạ trị

    Tác dụng phụ thường gặp của xạ trị ngoài đến đầu và cổ bao gồm:

    • Thay đổi da ở khu vực mà bức xạ đi qua, đỏ hoặc phồng rộp
    • Buồn nôn và nôn mửa
    • Mệt mỏi
    • Các vết loét trong miệng và cổ họng có thể dẫn đến khó nuốt và giảm cân do không ăn được
    • Khàn tiếng
    • Mất vị giác

    Những tác dụng phụ này thường cải thiện khi ngưng xạ trị.

    Các tác dụng phụ dài hạn khác có thể bao gồm:

    • Các vấn đề về răng
    • Tổn thương tuyến nước bọt gây khô miệng
    • Tổn thương tuyến giáp
    • Tổn thương tuyến yên
    • Tổn thương động mạch cảnh

    Điều quan trọng là thảo luận về các tác dụng phụ có thể có của xạ trị với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị, cố gắng hạn chế các tác dụng phụ này càng nhiều càng tốt.

    Người bệnh có thể bị khàn giọng sau khi điều trị xạ trị ung thư vòm hầu

    Người bệnh có thể bị khàn giọng sau khi điều trị xạ trị ung thư vòm hầu

    3. Hóa trị

    Hóa trị là việc sử dụng thuốc để chống lại ung thư, thường được dùng đường tĩnh mạch hoặc đường uống. Chúng xâm nhập vào máu và lan khắp cơ thể, hiệu quả đối với các ung thư đã lan ra khỏi vùng đầu cổ.

    Hóa trị có thể được sử dụng trong các tình huống khác nhau để điều trị ung thư vòm hầu:

    • Hóa trị kết hợp với xạ trị là điều trị bước đầu cho các ung thư giai đoạn tiến triển vì một số loại thuốc làm các tế bào ung thư nhạy cảm hơn với tia xạ, gọi là hóa xạ trị đồng thời.
    • Hóa trị sau khi xạ trị (hoặc sau khi hóa xạ trị), gọi là điều trị bổ trợ.
    • Hóa trị cho những bệnh nhân bị NPC di căn đến các cơ quan xa như phổi, xương hoặc gan, có thể hóa trị đơn độc hoặc với xạ trị.

    Hóa trị theo chu kỳ, với mỗi giai đoạn điều trị theo sau là một khoảng thời gian nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian phục hồi. Chu kỳ thường kéo dài khoảng 3 đến 4 tuần.

    3.1 Thuốc hóa trị thường điều trị NPC

    Cisplatin là thuốc thường dùng nhất để điều trị NPC, có thể được kết hợp với 5-fluorouracil (5-FU), nếu được sử dụng sau khi hóa xạ trị hoặc xạ trị.

    Một số loại thuốc khác cũng có tác dụng với NPC lan rộng, bao gồm:

    • Carboplatin (Paraplatin®)
    • Doxorubicin (Adriamycin®)
    • Epirubicin (Ellence®)
    • Paclitaxel (Taxol®)
    • Docetaxel (Taxotere®)
    • Gemcitabine (Gemzar®)
    • Bleomycin
    • Methotrexate

    Thường kết hợp 2 hoặc nhiều loại thuốc này.

    3.2 Tác dụng phụ có thể của hóa trị

    Thuốc tấn công các tế bào đang phân chia nhanh chóng, đó là lý do tại sao chúng hoạt động chống lại các tế bào ung thư. Nhưng các tế bào khác trong cơ thể như những tế bào trong tủy xương, niêm mạc miệng, ruột và nang lông cũng phân chia nhanh chóng. Những tế bào này cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hóa trị, có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nhất định.

    Các tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào loại và liều lượng, thời gian. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

    • Rụng tóc
    • Loét miệng
    • Ăn mất ngon
    • Buồn nôn và ói mửa
    • Tiêu chảy
    • Tăng nguy cơ nhiễm trùng (do số lượng bạch cầu máu thấp)
    • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do số lượng tiểu cầu máu thấp)
    • Mệt mỏi (do số lượng hồng cầu máu thấp)

    Những tác dụng phụ này thường tạm thời và biến mất sau khi kết thúc điều trị. Khi hóa trị bắt đầu, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có tác dụng phụ, để có thể được điều trị. Có nhiều cách để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiều tác dụng phụ của hóa trị.

    Trong một số trường hợp, có thể cần giảm liều thuốc hóa học hoặc có thể cần phải trì hoãn hoặc dừng lại việc điều trị để giữ tác dụng phụ không trở nên nặng nề hơn.

    4. Liệu pháp nhắm trúng đích

    Liệu pháp nhắm trúng đích nhắm vào những thay đổi trong các tế bào gây ung thư, hoạt động khác với thuốc hóa trị tiêu chuẩn. Thuốc trúng đích có thể hiệu quả khi hóa trị không hiệu quả, hoặc có thể giúp hóa trị đạt hiệu quả tốt hơn.

    4.1. Cetuximab (Erbitux®)

    Cetuximab là một kháng thể đơn dòng nhắm vào thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR). EGFR là một protein được tìm thấy trên bề mặt tế bào. Nó thường nhận được tín hiệu báo cho các tế bào phát triển và phân chia. Các tế bào ung thư vòm hầu thường có EGFR nhiều hơn bình thường, có thể giúp chúng phát triển nhanh hơn. Bằng cách ức chế EGFR, Cetuximab có thể làm chậm hoặc ngừng sự tăng trưởng này.

    Vai trò chính xác của Cetuximab trong điều trị NPC vẫn đang được nghiên cứu, thường được dùng cùng hóa trị và / hoặc xạ trị trong trường hợp ung thư đã lan rộng, tái phát hoặc tiếp tục tiến triển sau khi hóa trị ban đầu.

    Cetuximab được truyền tĩnh mạch, thường một lần một tuần.

    Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

    • Các vấn đề về da, như nổi mẩn ngứa, nổi mụn ở mặt và ngực, có thể dẫn đến nhiễm trùng
    • Đau đầu
    • Mệt mỏi
    • Sốt
    • Tiêu chảy
    • Buồn nôn và nôn mửa
    • Giảm cân

    5. Liệu pháp miễn dịch

    Liệu pháp miễn dịch là sử dụng các loại thuốc giúp chính hệ thống miễn dịch của người bệnh tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư.

    Chất ức chế điểm miễn dịch

    Vai trò quan trọng của hệ thống miễn dịch là khả năng không tấn công các tế bào bình thường trong cơ thể, bằng cách sử dụng các “điểm kiểm soát” (checkpoints) - các protein trên các tế bào miễn dịch. Các tế bào ung thư đôi khi sử dụng các “điểm kiểm tra” này để tránh bị hệ thống miễn dịch tấn công. Những loại thuốc mới hơn nhắm vào các “điểm kiểm soát” này hứa hẹn nhiều phương pháp điều trị ung thư.

    Pembrolizumab (Keytruda) và Nivolumab (Opdivo) là những thuốc nhắm vào PD-1, một loại protein trên các tế bào hệ thống miễn dịch gọi là tế bào T – bình thường giúp bảo vệ khỏi sự tấn công các tế bào khác trong cơ thể. Bằng cách ức chế PD-1, các loại thuốc này tăng cường đáp ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư. Thuốc có thể thu nhỏ một số khối u hoặc làm chậm sự tăng trưởng của chúng.

    Thuốc có thể dùng sau hóa trị ung thư vòm hầu tái phát hoặc đã lan sang các cơ quan khác. Pembrolizumab cũng là một lựa chọn điều trị đầu tiên ở một số bệnh nhân.

    Thuốc được dùng đường truyền tĩnh mạch, thường mỗi 2, 3 hoặc 4 tuần.

    Tác dụng phụ có thể xảy ra:

    • Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi
    • Sốt
    • Ho
    • Buồn nôn
    • Ngứa
    • Phát ban da
    • Ăn mất ngon
    • Đau cơ hoặc khớp
    • Táo bón hoặc tiêu chảy

    Thuốc điều trị ung thư vòm hầu được dùng đường truyền tĩnh mạch

    6. Lựa chọn điều trị theo các giai đoạn ung thư vòm hầu

    Nhóm điều trị sẽ đề xuất các lựa chọn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.

    6.1. Giai đoạn 0 và I

    Phương pháp điều trị thường áp dụng cho những ung thư giai đoạn sớm này thường là xạ trị nhằm vào khối u. Giai đoạn này u chưa lan đến các hạch bạch huyết ở cổ nhưng chúng cũng thường được xạ trị (gọi là xạ trị phòng ngừa), bởi vì một số bệnh nhân có thể có các tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết mà không được phát hiện.

    Mặc dù, có rất ít tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết khiến chúng to lên, nhưng những tế bào này có thể tiếp tục phát triển và lan rộng nếu không xạ trị.

    6.2. Các giai đoạn II, III, IVA và IVB

    Ung thư các giai đoạn này đã lan ra bên ngoài vòm hầu, có thể lan đến các hạch bạch huyết ở cổ hoặc hạch thượng đòn. Bệnh nhân ở giai đoạn này như ung thư vòm hầu giai đoạn 3 và ung thư vòm hầu giai đoạn thường được hóa xạ trị đồng thời nhắm đến u và các hạch bạch huyết cổ.

    Thuốc hóa trị thường dùng là Cisplatin, đôi khi được dùng cùng với một loại thuốc khác, thường là 5-FU.

    Hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng hóa xạ trị giúp bệnh nhân sống lâu hơn là chỉ xạ trị. Nhưng thêm hóa trị sẽ có nhiều tác dụng phụ hơn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là phải hiểu những tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi bắt đầu điều trị.

    Các lựa chọn điều trị khác trong các giai đoạn này có thể là liệu pháp miễn dịch (đơn độc hoặc cùng với hóa trị).

    Nếu sau điều trị vẫn còn tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết, có thể thực hiện phẫu thuật vét hạch.

    6.3. Giai đoạn IVC

    Một số ung thư vòm hầu được chẩn đoán trước khi phân giai đoạn có thể đã tiến triển sang giai đoạn IVC. Những trường hợp này đã lây lan đến các bộ phận xa của cơ thể và việc điều trị ung thư vòm hầu sẽ khó khăn hơn.

    Phương pháp điều trị thông thường là hóa trị, thường dùng Cisplatin và một loại thuốc khác. Nếu không thấy dấu hiệu của ung thư sau khi hóa trị thì xạ trị vòm hầu và các hạch bạch huyết ở cổ hoặc hóa xạ trị đồng thời để cố gắng tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Một lựa chọn khác trong một số trường hợp là xạ trị như điều trị bước đầu. Liệu pháp miễn dịch là một lựa chọn mới hơn để điều trị một số bệnh ung thư này, đơn độc hoặc cùng với hóa trị.

    Nếu vẫn có dấu hiệu ung thư sau lần hóa trị đầu tiên, có thể thử một phác đồ hóa trị khác sử dụng các loại thuốc khác nhau. Hóa trị cộng với thuốc nhắm trúng đích Cetuximab (Erbitux) hoặc liệu pháp miễn dịch có thể là những lựa chọn khác.

    6.4. Ung thư vòm hầu tái phát

    Ung thư gọi là tái phát khi nó quay trở lại sau khi điều trị. Tái phát có thể là khu trú tại chỗ (trong hoặc gần nơi nó bắt đầu) hoặc xa (lan đến các cơ quan như phổi hoặc xương). Nếu NPC tái phát, lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ ung thư, phương pháp điều trị nào được sử dụng lần đầu tiên và sức khỏe tổng thể của bạn. Điều quan trọng là phải hiểu mục đích của bất kỳ phương pháp điều trị nào khác - cho dù đó là cố gắng chữa ung thư, làm chậm sự phát triển bệnh hay giúp giảm các triệu chứng - cũng như những lợi ích và nguy cơ.

    NPC tái phát trong các hạch bạch huyết ở cổ ​​đôi khi có thể xạ trị. Nhưng nếu các bác sĩ tin rằng tia xạ liều cao sẽ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc nếu ung thư không đáp ứng với tia xạ ở lần điều trị đầu tiên, phẫu thuật vét hạch cổ có thể được thay thế.

    Nếu ung thư tái phát ở những vị trí xa, các lựa chọn có thể là hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch (hoặc cả hai). Nếu ung thư không thể chữa khỏi, các phương pháp điều trị tiếp theo có thể nhằm mục đích làm chậm sự phát triển hoặc giảm các triệu chứng do ung thư gây ra. Ví dụ, nếu ung thư đã lan đến cột sống, xạ trị có thể giúp giảm đau và giảm khả năng gặp các vấn đề tiếp theo. Ngay cả khi không thể chữa khỏi, điều quan trọng cần nhớ là có nhiều lựa chọn để làm giảm các triệu chứng của ung thư tiến triển.

    Hiện nay, Bệnh viện TWQĐ 108  đã và đang tiếp tục trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: PET/CT, SPECT/CT, MRI..., xét nghiệm huyết tủy đồ, mô bệnh học, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen, xét nghiệm sinh học phân tử, cũng như có đầy đủ các loại thuốc điều trị đích, thuốc điều trị miễn dịch tiên tiến nhất trong điều trị ung thư. Điều trị ung thư đa mô thức từ phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, ghép tế bào gốc tạo máu, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, các điều trị mới như liệu pháp miễn dịch tự thân, nhiệt trị...

    Sau khi có chẩn đoán chính xác bệnh, giai đoạn, người bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Quá trình điều trị luôn được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa để đem lại hiệu quả cũng như sự thoải mái cao nhất cho người bệnh.

    Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

    Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

     

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn