Tiêu chảy trong quá trình điều trị ung thư

    Tiêu chảy trong quá trình điều trị ung thư

    Tiêu chảy khi điều trị ung thư là một tác dụng phụ thường gặp có thể do chính bệnh ung thư gây ra. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó nghiêm trọng hơn.

    1. Nguyên nhân gây ra tiêu chảy khi điều trị ung thư?

    Hiện tượng tiêu chảy xảy ra ở người bình thường, với biểu hiện tăng số lần đại tiện trên 3 lần/ngày, phân dạng lỏng, sệt, không thành khuôn hoặc loãng như nước. Nguyên nhân gây ra tiêu chảy thường là nhiễm khuẩn ruột, vệ sinh kém, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ngộ độc thực phẩm. Trường hợp bệnh nhân điều trị ung thư bị tiêu chảy có thể xuất phát từ một số nguyên nhân nhất định, chẳng hạn như:

    • Liệu pháp điều trị ung thư: Tiêu chảy khi điều trị ung thư có thể gây ra do ảnh hưởng từ hóa trị, xạ trị liệu, phẫu thuật (đặc biệt khi cần cắt bỏ một số phần của ruột) và cấy ghép tủy xương.
    • Nhiễm trùng: Điều trị ung thư có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác nhau, dẫn đến tiêu chảy. Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng cũng có nguy cơ gây tiêu chảy.
    • Bản thân bệnh ung thư: Một số chứng bệnh ung thư có khả năng gây ra tiêu chảy, bao gồm các khối u thần kinh nội tiết (neuroendocrine), chẳng hạn như hội chứng carcinoid và hội chứng Zollinger-Ellison, bệnh ung thư ruột kết, ung thư hạch, ung thư biểu mô tủy của tuyến giáp và ung thư tuyến tụy.

    Thời gian và mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy phụ thuộc vào tác nhân gây ra.

    2. Điều trị ung thư bị tiêu chảy, khi nào nên gặp bác sĩ?

    Tiêu chảy trong quá trình điều trị ung thư là một tác dụng phụ tương đối phiền toái. Tuy nhiên, triệu chứng tiêu chảy có thể diễn biến nghiêm trọng hơn và dẫn đến nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như mất nước. Bệnh nhân nên đi thăm khám ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

    • Trong ngày đi tiêu lỏng từ 6 lần trở lên, kéo dài liên tục hơn hai ngày
    • Có máu trong phân hoặc trong khu vực trực tràng
    • Sụt cân do tiêu chảy
    • Sốt từ 38 độ C trở lên
    • Không kiểm soát được nhu động ruột
    • Biểu hiện tiêu chảy hoặc đau quặn bụng kéo dài hơn một ngày
    • Tiêu chảy kèm theo chóng mặt.

    Điều trị ung thư bị tiêu chảy khi người bệnh sốt cao

    Điều trị ung thư bị tiêu chảy khi người bệnh sốt cao

    Nếu bạn bị tiêu chảy không nghiêm trọng, nhưng gây cản trở các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như không thể rời khỏi nhà hoặc đi đâu đó không có nhà vệ sinh ở gần, hãy trao đổi với bác sĩ để được xử trí phù hợp. Ngoài ra, hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang điều trị ung thư bằng thuốc hóa trị dạng viên và bị tiêu chảy. Bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có nên tiếp tục dùng thuốc hóa trị đó hay không.

    Việc trao đổi với bác sĩ về triệu chứng tiêu chảy khi điều trị ung thư có thể khiến bạn bối rối, tuy nhiên điều quan trọng là bạn phải đề cập đến các biểu hiện đang xảy ra với bản thân cho bác sĩ được biết. Điều trị ung thư bị tiêu chảy có thể diễn tiến nghiêm trọng và cần được xử trí sớm để làm giảm các triệu chứng và hạn chế nguy cơ bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.

    3. Cách giảm tiêu chảy khi điều trị ung thư

    Khi có triệu chứng tiêu chảy, bạn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, ví dụ:

    • Uống nhiều nước: Ngay khi nhận thấy dấu hiệu đi tiêu lỏng, hãy ưu tiên bổ sung chất lỏng vào cơ thể, chẳng hạn như nước lọc, nước táo, nước canh hoặc nước đá tan ra. Tránh các sản phẩm từ sữa, vì đây có thể là nguyên nhân gây không dung nạp lactose và dẫn đến tiêu chảy. Bệnh nhân điều trị ung thư bị tiêu chảy nên bổ sung từ 8 đến 12 cốc chất lỏng mỗi ngày.
    • Ăn thực phẩm ít chất xơ: Khi tình trạng tiêu chảy đã bắt đầu cải thiện, hãy bổ sung các loại thực phẩm ít chất xơ vào chế độ ăn uống của bạn, chẳng hạn như chuối, gạo, nước sốt táo và bánh mì nướng.
    • Chia thành năm đến sáu bữa ăn nhỏ trong ngày.
    • Tránh các loại thực phẩm có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, bao gồm các sản phẩm từ sữa, đồ ăn cay, rượu, thực phẩm giàu chất béo, đồ uống có chứa caffeine, nước cam hoặc nước ép mận.
    • Dùng men vi sinh: Đây là các vi khuẩn có lợi giúp phục hồi và cân bằng hệ tiêu hóa đường ruột, có chứa trong sữa chua và một số thực phẩm chức năng. Lactobacillus và bifidobacterium là hai ví dụ về chế phẩm sinh học có men vi sinh. Nếu bạn đã thực hiện cấy ghép tủy xương, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng sinh phẩm này.

    Khi triệu chứng đã bắt đầu thuyên giảm, bạn có thể từ từ điều chỉnh chế độ ăn uống của mình trở lại bình thường.

    4. Dùng thuốc điều trị tiêu chảy ở bệnh nhân ung thư

    Nếu đã thay đổi chế độ ăn uống và uống nhiều nước nhưng vẫn không làm giảm triệu chứng tiêu chảy, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bổ sung. Nếu bạn đang trong quá trình hóa trị liệu, không dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào khi chưa được sự chấp thuận của ​​bác sĩ vì một số thuốc có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nguy hiểm cho những người đang điều trị ung thư.

    Các loại thuốc thường dùng trong điều trị tiêu chảy cho bệnh nhân ung thư bao gồm:

    • Nhóm Opioids: Có tác dụng làm giảm tiêu chảy bằng cách làm chậm nhu động ruột.
    • Loperamide: Là lựa chọn phổ biến được chỉ định cho bệnh nhân tiêu chảy khi điều trị ung thư, ít gây tác dụng phụ hơn các thuốc nhóm opioid.
    • Các thuốc làm giảm tiết dịch: Những loại thuốc này làm giảm lượng chất lỏng mà cơ thể bạn tiết ra, khiến cho phân trở nên rắn chắc hơn, ví dụ như corticosteroid và octreotide (Sandostatin).
    • Các loại thuốc khác, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy và nguyên nhân gây ra nó.

    Bệnh nhân tiêu chảy khi điều trị ung thư có thể được xét nghiệm để xác định nguyên nhân và lựa chọn xử trí phù hợp. Những người bị tiêu chảy nặng có thể phải nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

    Tốt nhất trong quá trình điều trị ung thư nếu có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và có những chỉ định kịp thời. Tránh để lâu bệnh tiến triển nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

    Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

    Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn