Kết quả giải phẫu bệnh sinh thiết ung thư tuyến tiền liệt được hiểu như thế nào?

    Kết quả giải phẫu bệnh sinh thiết ung thư tuyến tiền liệt được hiểu như thế nào?

    Ung thư tiền liệt tuyến là dạng ung thư phát triển trong tuyến tiền liệt ở nam giới. Các tế bào ung thư này trở nên nguy hiểm hơn khi di căn sang các bộ phận khác, đặc biệt là di căn vào xương hoặc vào các hạch bạch huyết. Vì vậy cần tầm soát ung thư tuyến tiền liệt để điều trị kịp thời. Vậy kết quả giải phẫu bệnh sinh thiết ung thư tuyến tiền liệt được hiểu như thế nào?

    1. Ung thư tuyến tiền liệt có thể được phát hiện sớm không?

    Ung thư tuyến tiền liệt thường có thể được phát hiện sớm nhờ:

    ·         Xét nghiệm nồng độ kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt (PSA) trong máu

    ·         Khám tuyến tiền liệt qua trực tràng bằng ngón tay

    Nếu kết quả của một trong hai xét nghiệm này bất thường, bạn có thể cần sinh thiết tuyến tiền liệt để biết chắc chắn có bị ung thư hay không.

    2. Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

    2.1 Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt trong máu (prostate-specific antigen - PSA)

    Bình thường, hầu hết đàn ông có mức PSA máu dưới 4 ng/mL. Khi ung thư tuyến tiền liệt phát triển, mức PSA thường tăng trên 4. Tuy nhiên, mức dưới 4 không đảm bảo rằng không bị ung thư.

    ·         PSA từ 4 đến 10 ng/mL: khoảng 1/4 trường hợp có khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt.

    ·         PSA lớn hơn 10 ng/mL: khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt hơn 50%.

    Các yếu tố có thể làm tăng mức PSA:

    ·         Phì đại tuyến tiền liệt

    ·         Tuổi già

    ·         Viêm tuyến tiền liệt

    ·         Xuất tinh: đây là lý do tại sao một số bác sĩ đề nghị nam giới kiêng xuất tinh trong một hoặc hai ngày trước khi xét nghiệm.

    ·         Đi xe đạp: một số nghiên cứu đã gợi ý rằng đạp xe có thể làm tăng mức PSA trong một thời gian ngắn (có thể do ghế ngồi gây áp lực lên tuyến tiền liệt)

    ·         Một số thủ thuật tiết niệu: như sinh thiết tuyến tiền liệt hoặc nội soi bàng quang, thăm khám bằng tay qua ngã trực tràng có thể làm tăng mức PSA trong một thời gian ngắn.

    ·         Một số loại thuốc: dùng nội tiết tố nam như testosterone (hoặc các loại thuốc khác làm tăng mức testosterone) có thể làm tăng PSA.

    Các yếu tố có thể làm giảm mức PSA (ngay cả khi bị ung thư tuyến tiền liệt):

    ·         Thuốc ức chế 5-alpha reductase: như Finasteride (Proscar hoặc Propecia) hoặc Dutasteride (Avodart), được sử dụng để điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc các triệu chứng tiết niệu, có thể làm giảm mức PSA. Những loại thuốc này cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

    ·         Hỗn hợp thảo dược: một số hỗn hợp được bán dưới dạng thực phẩm chức năng có thể che giấu mức PSA cao. Đây là lý do tại sao phải cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào.

    ·         Một số loại thuốc khác: Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng việc sử dụng lâu dài một số loại thuốc như aspirin, statin (thuốc giảm cholesterol) và thuốc lợi tiểu thiazide (như hydrochlorothiazide) có thể làm giảm mức PSA.

    ·         Đối với những nam giới được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, không phải lúc nào việc hạ chỉ số PSA cũng hữu ích. Trong một số trường hợp, yếu tố làm giảm PSA cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Nhưng trong những trường hợp khác, nó có thể làm giảm mức PSA mà không ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư của nam giới.

    Điều này thực sự có thể gây hại vì các yếu tố làm giảm PSA từ mức bất thường xuống mức bình thường, nó có thể dẫn đến việc không phát hiện ra ung thư. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ của bạn về bất kỳ điều gì có thể ảnh hưởng đến mức PSA của bạn.

    2.2 Khám trực tràng bằng tay (digital rectal exam-DRE)

    Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay được đeo găng và bôi trơn vào trực tràng để cảm nhận bất kỳ vết sưng hoặc vùng cứng nào trên tuyến tiền liệt có thể là ung thư. Việc khám này có thể gây khó chịu (đặc biệt đối với người mắc bệnh trĩ), nhưng thường không gây đau đớn và thực hiện nhanh. DRE kém hiệu quả hơn xét nghiệm máu PSA trong việc phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, nhưng đôi khi có thể tìm thấy ung thư ở nam giới có mức PSA bình thường. Do đó, DRE được xem như một phần của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

    2.3. Sinh thiết

    Nếu kết quả xét nghiệm PSA máu, thăm khám trực tràng hoặc các xét nghiệm khác cho thấy bạn có thể bị ung thư tuyến tiền liệt, thì rất có thể bạn sẽ cần sinh thiết.

    Chẩn đoán của ung thư tuyến tiền liệt chỉ có thể xác định bằng sinh thiết tuyến tiền liệt và được báo cáo kết quả bởi bác sĩ giải phẫu bệnh

    Thông thường, bác sĩ sẽ gây tê vùng và lấy các mẫu nhỏ từ các bộ phận khác nhau của tuyến tiền liệt (khoảng 12 mẫu)

    Các mẫu sinh thiết sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh (mô bệnh học), qua quá trình xử lý mô, làm tiêu bản và được xem xét dưới kính hiển vi để xem chúng có chứa tế bào ung thư hay không.

    Kết quả có thể được báo cáo là:

    ·         Dương tính với ung thư: Các tế bào ung thư được nhìn thấy trong các mẫu sinh thiết.

    ·         Âm tính với ung thư: Không nhìn thấy có tế bào ung thư nào trong các mẫu sinh thiết.

    ·         Nghi ngờ: Có tổn thương bất thường, nhưng có thể không phải là ung thư

    2.3.1. Kết quả âm tính

    Nếu kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt âm tính, và khả năng bạn bị ung thư tuyến tiền liệt không cao (dựa trên lượng PSA và các xét nghiệm khác), bạn có thể không cần xét nghiệm thêm nữa

    Nhưng ngay cả khi lấy nhiều mẫu, sinh thiết đôi khi vẫn có thể bỏ sót nếu kim sinh thiết không đi qua tổn thương ung thư, gọi là kết quả âm tính giả. Nếu bác sĩ vẫn nghi ngờ bạn bị ung thư tuyến tiền liệt (do mức PSA rất cao), họ có thể đề nghị lặp lại sinh thiết, lấy thêm các mẫu của tuyến tiền liệt không được sinh thiết lần đầu tiên hoặc sử dụng các xét nghiệm hình ảnh như MRI để xem xét kỹ hơn các khu vực bất thường.

    2.3.2. Kết quả dương tính

    Mức độ ung thư tuyến tiền liệt (Điểm Gleason hoặc nhóm độ mô học)

    Mức độ ung thư dựa trên mức độ bất thường của tế bào ung thư dưới kính hiển vi. Ung thư độ cao hơn trông bất thường hơn, và có nhiều khả năng phát triển và lây lan nhanh chóng. Có 2 cách chính để mô tả loại ung thư tuyến tiền liệt:

    Điểm Gleason

    Hệ thống Gleason đã được sử dụng trong nhiều năm, giúp xác định các cấp độ dựa trên mức độ mà ung thư trông giống như mô tuyến tiền liệt bình thường.

    ·         Nếu ung thư giống như mô tuyến tiền liệt bình thường, được cho 1 điểm

    ·         Nếu ung thư rất bất thường, nó được cho 5 điểm

    ·         Từ 2 đến 4 điểm có các đặc điểm trung gian tùy mức độ

    Hầu hết tất cả các ung thư từ 3 điểm trở lên, 1 và 2 điểm thường không sử dụng. Vì ung thư tuyến tiền liệt thường có các vùng với các mức độ khác nhau, nên mức độ ung thư sẽ gồm 2 vùng có điểm cao nhất cộng lại, gọi là điểm Gleason

    Số điểm đầu tiên được quy định là mức độ các vùng có tỉ lệ nhiều nhất trong khối u. Ví dụ: nếu điểm Gleason được viết là 3 + 4 = 7, nghĩa là hầu hết các vùng của khối u là 3 điểm và ít vùng hơn là 4 điểm, và cộng lại thành điểm Gleason 7.

    Về lý thuyết, điểm Gleason có thể từ 2 đến 10, nhưng điểm dưới 6 rất hiếm khi áp dụng.

    Dựa trên điểm Gleason, ung thư tuyến tiền liệt thường được chia thành 3 nhóm:

    ·         Biệt hóa tốt hoặc mức độ thấp: Gleason từ 6 điểm trở xuống

    ·         Biệt hóa trung bình hoặc mức độ trung gian: Gleason 7 điểm

    ·         Kém biệt hóa hoặc mức độ cao: Gleason từ 8 đến 10 điểm

    Nhóm độ mô học (grade groups)

    Trong những năm gần đây, các bác sĩ nhận ra rằng điểm Gleason có thể không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để mô tả mức độ của ung thư tuyến tiền liệt, vì một số lý do:

    Kết quả của ung thư tuyến tiền liệt có thể được chia thành nhiều hơn 3 nhóm được đề cập ở trên. Ví dụ:

    ·         Những người có điểm Gleason 3 + 4 = 7 có khuynh hướng tốt hơn những người có điểm Gleason 4 + 3 = 7.

    ·         Những người có điểm Gleason 8 có khuynh hướng tốt hơn những người có điểm Gleason 9 hoặc 10.

    Điểm Gleason có thể gây hiểu nhầm cho bệnh nhân. Ví dụ, một người có Gleason 6 điểm có thể cho rằng bệnh của anh ta đang ở mức độ trung gian (về lý thuyết là từ 2 đến 10), mặc dù 6 điểm thực sự là mức độ thấp nhất trong thực tế. Giả định này có thể khiến người bệnh nghĩ rằng ung thư của anh ta có nhiều khả năng phát triển và lây lan nhanh hơn thực tế, và có thể ảnh hưởng đến quyết định điều trị của người bệnh.

    Do đó, các bác sĩ đã phát triển các Nhóm độ mô học, từ 1 (khả năng phát triển và lây lan chậm) đến 5 (khả năng phát triển và lây lan nhanh):

    ·         Nhóm độ mô học 1 = Gleason 6 (hoặc ít hơn)

    ·         Nhóm độ mô học 2 = Gleason 3 + 4 = 7

    ·         Nhóm độ mô học 3 = Gleason 4 + 3 = 7

    ·         Nhóm độ mô học 4 = Gleason 8

    ·         Nhóm độ mô học 5 = Gleason 9-10

    Các Nhóm độ mô học này có thể sẽ thay thế điểm Gleason theo thời gian, nhưng hiện tại bạn có thể thấy một (hoặc cả hai) trên báo cáo bệnh lý sinh thiết.

    Các thông tin khác trong báo cáo giải phẫu bệnh

    Cùng với mức độ ung thư, báo cáo giải phẫu bệnh thường chứa các thông tin khác:

    ·         Số lượng mẫu lõi sinh thiết có chứa ung thư (ví dụ: "7 trên 12")

    ·         Tỷ lệ ung thư trong mỗi lõi

    ·         Ung thư ở một bên (trái hoặc phải) của tuyến tiền liệt hoặc ở cả hai bên

    2.3.3.Kết quả nghi ngờ

    Đôi khi các tế bào tuyến tiền liệt không giống như ung thư, nhưng cũng không hoàn toàn bình thường.

    Tân sinh nội biểu mô tuyến tiền liệt (Prostatic intraepithelial neoplasia PIN):

    Trong PIN, có những thay đổi của các tế bào tuyến tiền liệt, nhưng các tế bào bất thường trông không giống như tế bào ung thư.

    PIN thường được chia thành 2 nhóm:

    ·         PIN độ thấp (low-grade PIN): các tế bào tuyến tiền liệt gần như bình thường.

    ·         PIN độ cao (high-grade PIN): các tế bào tuyến tiền liệt bất thường hơn.

    Nhiều nam giới bắt đầu có PIN độ thấp ngay từ khi còn nhỏ, nhưng PIN độ thấp được cho là không liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nếu PIN độ thấp được báo cáo trên sinh thiết tuyến tiền liệt, việc theo dõi đối với bệnh nhân thường giống như không thấy gì bất thường.

    Nếu thấy PIN độ cao trên sinh thiết, thì có nhiều khả năng bạn sẽ bị ung thư tuyến tiền liệt theo thời gian. Đây là lý do tại sao các bác sĩ thường theo dõi những người đàn ông có PIN độ cao một cách cẩn thận và có thể khuyên sinh thiết thêm những vùng khác của tuyến tiền liệt.

    Tăng sinh túi tuyến nhỏ không điển hình (Atypical small acinar proliferation - ASAP) hoặc tăng sản tuyến không điển hình (atypical glandular proliferation)

    Tất cả các thuật ngữ này có nghĩa là các tế bào trông giống như ung thư khi quan sát bằng kính hiển vi, nhưng quá ít dữ liệu để chắc chắn.

    Nếu thấy trong báo cáo giải phẫu bệnh một trong những thuật ngữ này, thì khả năng cao là cũng có ung thư trong tuyến tiền liệt, đó là lý do tại sao nhiều bác sĩ khuyên bạn nên làm lại sinh thiết trong vòng vài tháng.

    Viêm teo tăng sinh (Proliferative inflammatory atrophy - PIA):

    Trong PIA, các tế bào tuyến tiền liệt trông nhỏ hơn bình thường và có đặc điểm viêm tại vùng này.

    PIA không phải là ung thư, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng PIA đôi khi có thể dẫn đến PIN độ cao hoặc trực tiếp dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt.

    3. Khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt

    Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến cáo nam giới cần đưa ra quyết định sáng suốt của họ về việc có nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt hay không. Quyết định nên được đưa ra sau khi có thông tin về những điều không chắc chắn, rủi ro và lợi ích tiềm năng của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

    Cần thảo luận để đưa ra quyết định khi:

    ·         50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt trung bình và dự kiến ​​sống thêm ít nhất 10 năm.

    ·         45 tuổi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao, bao gồm những người Mỹ gốc Phi và những người có người thân cấp một (cha hoặc anh trai) được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi sớm (dưới 65 tuổi).

    ·         40 tuổi có nguy cơ cao hơn (những người có nhiều hơn một người thân cấp một mắc ung thư tuyến tiền liệt khi còn trẻ).

    Nếu không phát hiện ung thư tuyến tiền liệt do kết quả của quá trình sàng lọc, thời gian giữa các lần sàng lọc tiếp theo phụ thuộc vào kết quả của xét nghiệm PSA máu:

    ·         PSA dưới 2,5 ng/mL: có thể chỉ cần xét nghiệm lại sau mỗi 2 năm.

    .         PSA từ 2,5 ng/mL trở lên: nên sàng lọc hàng năm

    Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn