Tác dụng phụ của hóa trị ung thư đại tràng

    Tác dụng phụ của hóa trị ung thư đại tràng

    Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư đại tràng được sử dụng ở các bệnh nhân có chỉ định của bác sĩ. Sự phát triển của y học đã cho ra đời nhiều loại thuốc hóa chất có tác dụng điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư đại tràng trong và sau hóa trị có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn.

    1. Hóa trị ung thư đại tràng

    Hóa trị là phương pháp sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc hóa chất nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân. Hóa trị là một phương pháp điều trị toàn thân có ý nghĩa quan trọng trong điều trị ung thư đại tràng bên cạnh phẫu thuật, liệu pháp kháng sinh mạch, liệu pháp miễn dịch.

    Các thuốc hóa trị ung thư đại tràng có tác dụng điều trị nhờ cơ chế tấn công các tế bào ác tính đang phân chia, tuy nhiên nó cũng có thể tấn công luôn các tế bào bình thường phân chia như tế bào trong niêm mạc miệng, ruột, hay trong nang lông,... gây ra các tác dụng phụ. Điều này đặt ra cho các nhà nghiên cứu việc tìm kiếm những thuốc hóa chất mới có tác dụng điều trị ung thư mạnh mẽ nhưng hạn chế được độc tính không mong muốn.

    Hóa trị có thể tiến hành trước hoặc sau phẫu thuật ung thư đại tràng để điều trị triệt để bệnh hoặc hóa trị ở bệnh nhân quá chỉ định phẫu thuật giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng, làm giảm bệnh, nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư đại tràng. Chỉ định hóa trị được đặt ra ở từng giai đoạn bệnh nhằm các mục đích khác nhau, có thể sử dụng phương pháp hóa trị đơn thuần nhưng thường hay kết hợp hóa trị với các phương pháp khác:

    • Hóa trị bổ trợ: Hóa trị bổ trợ là dùng thuốc hóa chất để điều trị sau phẫu thuật. Bệnh nhân ung thư đại tràng đã được phẫu thuật trước tiên sẽ được đánh giá hậu phẫu, thể trạng bệnh nhân, giải phẫu bệnh và giai đoạn bệnh sau mổ,... từ đó cân nhắc có chỉ định hóa trị bổ trợ sau mổ hay không. Hóa trị bổ trợ nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư có khả năng còn sót lại sau phẫu thuật ung thư đại tràng, nhằm giảm nguy cơ tái phát bệnh.
    • Hoá trị tân bổ trợ: Là hóa trị được đặt ra ở các bệnh nhân ung thư đại tràng có khối u lớn chưa thể phẫu thuật được. Hóa trị tân bổ trợ nhằm mục đích làm giảm kích thước u, hỗ trợ cho phẫu thuật đại tràng sau này được thuận lợi và đạt được hiệu quả điều trị.
    • Hoá trị triệu chứng (hay còn gọi là hóa trị giảm nhẹ): Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối quá chỉ định phẫu thuật, không còn khả năng điều trị triệt để sẽ được cân nhắc phác đồ hóa trị triệu chứng để thu nhỏ khối u, hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống.

    2. Chỉ định hóa trị ung thư đại tràng

    Việc chỉ định loại hóa chất điều trị ung thư đại tràng phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

    • Đặc điểm bệnh học và giai đoạn bệnh ung thư đại tràng: Tùy thuộc vào đặc điểm bệnh học (giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch, đột biến gen,...) cũng như giai đoạn bệnh mà bệnh nhân sẽ được lên những kế hoạch điều trị với mục tiêu điều trị khác nhau. Chỉ định loại hóa chất với đường dùng và liều lượng phù hợp ở từng thể bệnh, giai đoạn bệnh liên quan đến sự thành công của điều trị cũng như hạn chế tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân.
    • Toàn trạng chung của bệnh nhân: Tuổi tác, thể lực, bệnh kèm,... là những yếu tố được cân nhắc khi sử dụng phương pháp hóa trị cho bệnh nhân để vừa đạt được mục đích điều trị vừa tránh được các độc tính lên các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh.
    • Mức độ đáp ứng với các loại hóa chất trước đó: Bệnh nhân đã từng hóa trị với một hoặc nhiều loại hóa chất trước đó sẽ được đánh giá đáp ứng điều trị, từ đó cân nhắc việc điều chỉnh liều lượng hay đổi phác đồ hóa chất khác để đạt được hiệu quả điều trị.
    • Nguyện vọng điều trị của bệnh nhân: Sự hợp tác, đồng ý của bệnh nhân thuộc về quy chế chuyên môn. Sau khi được bác sĩ giải thích điều trị, hiểu rõ về lợi ích cũng như nguy cơ của phương pháp hóa trị, bệnh nhân sẽ đưa ra quyết định điều trị và phối hợp với nhân viên y tế để phát hiện các dấu hiệu bất thường, những tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị hóa chất và xử trí kịp thời.

    3. Các nhóm thuốc hóa chất điều trị ung thư đại tràng

    Thuốc hóa chất điều trị ung thư có thể được dùng đơn độc (đơn hóa trị) hoặc phối hợp nhiều loại hóa chất với nhau (đa hóa trị). Hóa chất được dùng theo nhiều đường khác nhau như: đường tĩnh mạch, đường uống,... với liều lượng thích hợp để điều trị bệnh.

    Các loại hóa chất thường được sử dụng trong ung thư đại tràng là:

    • Fluoropyrimidine và các dẫn chất: Fluoropyrimidine là hóa chất có hiệu quả được ghi nhận đầu tiên trong điều trị ung thư đại tràng. Thuốc được đưa vào cơ thể dưới dạng tiền chất, sau đó chuyển hóa tạo ra dạng có hoạt tính ức chế hoạt động của enzym tổng hợp trong tế bào, gắn với enzyme thymidylate synthase và ngăn cản quá trình tổng hợp thymidin, từ đó ức chế tổng hợp acid nucleic (DNA, RNA). Các loại hóa chất Fluoropyrimidine thường gặp trên thị trường là 5-Fluorouracil (đường tĩnh mạch), Capecitabine (đường uống),...
    • Calcium folinat: Calcium folinat là muối calci của acid folinic, dạng có hoạt tính của acid folic. Calcium folinat làm tăng tác dụng đáng kể của 5-Fluorouracil (5-FU) khi phối hợp với hóa chất này, cản trở sự phân bào của tế bào ung thư bằng cách ngăn cản kéo dài hoạt động của enzyme thymidylate synthase và cản trở quá trình tổng hợp acid nucleic (DNA và RNA).
    • Oxaliplatin: Oxaliplatin là dẫn xuất platinum thế hệ ba. Oxaliplatin hoạt động bằng cách gắn chặt vào DNA và ức chế tổng hợp DNA, dẫn đến làm chết tế bào. Oxaliplatin tăng hiệp lực khi kết hợp với 5-Fluorouracil.
    • Irinotecan: Irinotecan là dẫn xuất bán tổng hợp gây độc tế bào thông qua sự bất hoạt Topoisomerase I, từ đó làm tổn thương chuỗi đơn DNA.

    4. Tác dụng phụ của hóa trị ung thư đại tràng

    Một câu hỏi được nhiều bệnh nhân băn khoăn là liệu hóa trị ung thư đại tràng có ảnh hưởng gì không? Như đã đề cập ở trên, thuốc hóa trị ngoài việc tác động diệt tế bào ung thư còn có thể ảnh hưởng đến các tế bào bình thường khác, đó chính là lý do mà bệnh nhân điều trị hóa chất có thể gặp một số tác dụng phụ trong và sau điều trị. Các tác dụng phụ của hoá trị ung thư đại tràng phụ thuộc vào loại hóa chất, liều dùng, cũng như cơ địa, thể trạng của bệnh nhân. Các tác dụng không mong muốn thường gặp trong hoá trị ung thư đại tràng bao gồm:

    • Buồn nôn nôn, mệt mỏi, chán ăn: Buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, chán ăn là các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị với các loại hóa chất nói chung và hóa chất điều trị ung thư đại tràng nói riêng. Tác dụng phụ này thường không quá nghiêm trọng và sẽ giảm dần khi hoạt chất của thuốc được đào thải. Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc chống nôn dự phòng cho bệnh nhân trước và sau mỗi đợt hóa trị. Khi có dấu hiệu buồn nôn, nôn mửa, bệnh nhân cần uống đủ nước, chia nhỏ bữa ăn trong ngày để đảm bảo nước, điện giải và dinh dưỡng cho cơ thể.
    • Độc tính thần kinh ngoại biên: Bệnh nhân hóa trị với Oxaliplatin (trong các phác đồ CAPOX, FOLFOX,...) thường gặp tác dụng không mong muốn lên thần kinh ngoại biên với các biểu hiện tê môi/ lưỡi/ răng, cứng hàm, dị cảm, vướng họng. Độc tính thần kinh ngoại biên có thể gặp ngay đợt điều trị đầu tiên với Oxaliplatin hoặc sau nhiều đợt hóa trị. Bệnh nhân hạn chế uống nước lạnh sau khi hóa trị với Oxaliplatin để tránh gặp tác dụng không mong muốn này. Nếu có các biểu hiện độc tính thần kinh ngoại biên, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời. Nếu triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm liều hoặc tạm hoãn hoá trị với Oxaliplatin.
    • Hội chứng bàn tay, bàn chân: Hội chứng bàn tay-bàn chân là một trong những tác dụng phụ của hóa trị ung thư đại tràng có thể gặp ở bệnh nhân điều trị với hóa chất Capecitabine. Biểu hiện thường gặp ở người dùng Capecitabine thời gian dài là sạm da, khô da lòng bàn tay/ bàn chân, có thể dẫn đến bong tróc da, tổn thương móng tay/ móng chân. Triệu chứng này có thể thuyên giảm với một số biện pháp hỗ trợ như: bôi kem làm mềm da, tránh đi nắng, mang vớ chật, giày chật,...
    • Tiêu chảy: Tiêu chảy có thể xảy ra khi điều trị hóa chất, đặc biệt là Irinotecan, khiến bệnh nhân mệt mỏi, mất nước và có thể kiệt sức do rối loạn cân bằng nước - điện giải. Cần theo dõi số lần tiêu chảy trong ngày và mức độ tiêu chảy của bệnh nhân. Chú ý phân biệt tiêu chảy do hóa chất hay do các nguyên nhân khác như viêm dạ dày - ruột,... Nếu loại trừ được các nguyên nhân gây tiêu chảy khác, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc điều trị triệu chứng tiêu chảy như Imodium tùy theo mức độ tiêu chảy và rối loạn nước - điện giải của bệnh nhân.
    • Rụng tóc: Ngoài tác dụng phụ gây tiêu chảy nặng, Irinotecan còn gây rụng tóc, điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân. Do đó, bác sĩ cần tư vấn kỹ trước hóa trị để bệnh nhân chuẩn bị tâm lý khi gặp phải tác dụng phụ này.
    • Giảm bạch cầu, tiểu cầu sau hóa trị: Cũng như các loại hóa chất điều trị ung thư khác, hóa trị ung thư đại tràng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tạo máu của cơ thể với tình trạng giảm bạch cầu và/hoặc giảm tiểu cầu sau hóa trị. Bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính sau hóa trị ung thư đại tràng với các phác đồ như FOLFOX, CAPOX ít khi biểu hiện triệu chứng, nhưng cũng có thể có sốt hay có nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân hóa trị ung thư đại tràng cũng có nguy cơ giảm tiểu cầu sau hóa trị. Giảm tiểu cầu có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện với các dấu xuất huyết dưới da (chấm xuất huyết, mảng bầm tím,...); chảy máu niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng hay chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu,... Đó chính là lý do mà bác sĩ thường theo dõi sát bệnh nhân và chỉ định làm các xét nghiệm máu kiểm tra sau hóa trị, để có xử trí kịp thời.

    Tóm lại, hóa trị có thể tiến hành trước hoặc sau phẫu thuật ung thư đại tràng để điều trị triệt để bệnh hoặc hóa trị ở bệnh nhân quá chỉ định phẫu thuật. Các thuốc hóa trị ung thư đại tràng có tác dụng điều trị nhờ cơ chế tấn công các tế bào ác tính đang phân chia, nhưng nó cũng có thể tấn công luôn các tế bào bình thường và gây ra các tác dụng phụ. Điều này đặt ra cho các nhà nghiên cứu việc tìm kiếm những thuốc hóa chất mới có tác dụng điều trị ung thư mạnh mẽ nhưng hạn chế được độc tính không mong muốn.

    Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện TWQĐ 108 luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư – Bệnh viện TWQĐ 108 giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

    Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Trung Tâm Tư Vấn Di Truyền và Sàng Lọc Ung Thư- Bệnh viện TWQĐ 108, khách hàng sẽ được:

    • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràngung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cungung thư dạ dàyung thư tiền liệt tuyến,....)
    • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
    • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
    • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

    Để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

    TRUNG TÂM TƯ VẤN DI TRUYỀN VÀ SÀNG LỌC UNG THƯ – BỆNH VIỆN TWQĐ108

    Địa chỉ: số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Hotline:0865.898.108

    Email: cgc@benhvien108.vn

    Website: http://sanglocungthu108.vn

    Thời gian làm việc: 6h30 – 17h00, từ thứ 2 đến thứ 6

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn