Phục hồi chức năng sau phẫu thuật tạo hình thực quản bằng ống cuốn dạ dày cho bệnh nhân ung thư thực quản
Ung thư thực quản (UTTQ) là bệnh khá thường gặp ở Việt Nam, đứng hàng thứ 5 trong các loại ung thư, bệnh gặp nhiều ở nam hơn nữ. Tạo hình thực quản (THTQ) là phẫu thuật thay thế một phần thực quản bị ung thư hay toàn bộ thực quản bằng một đoạn ống tiêu hóa. Mục đích THTQ là giúp cho người bệnh ăn uống qua đường miệng mà không phải ăn qua ống mở thông dạ dày hoặc mở thông hỗng tràng. Kỹ thuật này đã được Viện Phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện TWQĐ 108 triển khai trong nhiều năm gần đây và đạt được thành công rõ rệt.
Trong phẫu thuật ung thư thực quản, sau cắt thực quản, việc lập lại lưu thông đường tiêu hóa thường được làm trong cùng một thì. Kỹ thuật thay thế thực quản bằng ống dạ dày thuận chiều thường được sử dụng nhiều nhất.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể gặp phải nhiều khó khăn trong hô hấp cũng như giao tiếp bằng lời nói vì đường mổ cần đi qua vùng nền cổ và lồng ngực. Những sang chấn do phẫu thuật gây ra trong quá trình mổ thường gây đau sau mổ, ngoài ra quá trình liền vết thương có thể tạo ra các xơ dính các cơ và mô tham gia hô hấp vùng lồng ngực và nền cổ từ đó cản trở cử động hô hấp cũng như vận động vùng hầu họng.
Những tổn thương này sẽ gây ra khó khăn trong cử động hô hấp của lồng ngực, hệ quả là người bệnh sẽ thấy đau tức khi cố gắng hít sâu cũng như ho khạc, kết quả sẽ là cảm giác khó thở, mệt mỏi vì thiếu oxy và người bệnh sẽ có phản xạ thở dồn dập hơn (tăng tần số thở) để bù lại những nhịp thở bị hụt do đau, tình trạng ứ đọng dịch tiết cũng là một trong những nguy cơ gây viêm phổi sau mổ, từ đó càng làm suy giảm nặng nề hơn sức khỏe của người bệnh.
Về vùng nền cổ, ngoài đau thì xơ dính sau mổ cũng góp phần tạo nên khó khăn cho bệnh nhân trong vận động hầu họng, giảm khả năng giao tiếp. Giọng nói bị khàn, âm lượng nhỏ hơn sau mổ xuất hiện khá phổ biến trên người bệnh được phẫu thuật THTQ.
Ngày nay, phục hồi chức năng sau phẫu thuật được đánh giá rất thiết thực và hiệu quả cho người bệnh. Nó giúp những bệnh nhân hậu phẫu hồi phục nhanh hơn, tránh được phần nào các biến chứng nặng nề sau phẫu thuật, sớm có thể quay trở lại với sinh hoạt hàng ngày. Sau đây là một số phương pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật tạo hình thực quản bằng ống cuốn dạ dày
Vận động sớm, bắt đầu ngay từ ngày đầu sau mổ
– Người bệnh có thể thấy mệt mỏi từ 6-8 tuần sau mổ.
– Tự thực hiện các vận động chức năng trên giường. Khuyến khích ngồi dậy sớm, bắt đầu với ngồi tựa vào tường hoặc thành giường, sau đó ngồi sát mép giường, buông thõng chân.
– Chuyển từ giường sang ghế tựa cạnh giường.
– Tập đi lại xung quanh giường, quanh phòng, tự đi vào nhà vệ sinh càng sớm càng tốt (tất nhiên cần có sự giám sát, hỗ trợ của người nhà hoặc NVYT).
– Đi bộ 4 lần một ngày hoặc nhiều hơn, hoặc leo cầu thang mỗi ngày.
– Vận động tới lúc chớm mệt không phải tới khi kiệt sức, thở dốc và phải nằm nghỉ vài ngày sau đó. Duy trì vận động sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
– Thực hiện các bài tập vận động chi trên, chi dưới và thân mình ở tư thế nằm, ngồi và đứng cạnh giường theo hướng dẫn của KTV. Những bài tập này nhằm giúp người bệnh lấy lại sức mạnh cơ, tăng sức bền, tăng mức độ dung nạp oxy và cũng giúp dự phòng được các biến chứng do bất động sau mổ.
Phục hồi chức năng hô hấp sau mổ
– Tập thở chậm và sâu.
– Tập ho hữu hiệu để tống các chất tiết ứ đọng ra ngoài. Khi ho, tình trạng tăng áp lực ổ bụng sẽ làm đau vết mổ; người bệnh có thể dùng gối áp vào vùng có vết mổ khi ho để giảm đau (theo hướng dẫn của NVYT). Tập với Spirometer 10 lần/giờ/ngày. Tiếp tục các bài tập này 4-6 tuần.
– Tập các động tác tay giúp tăng kích thước lồng ngực khi thở.
– Tránh các động tác vươn người quá nhiều làm căng giãn mạnh cơ chi trên và vai bao gồm bơi lội, tennis và golf…
Khuyến khích người bệnh tự thực hiện các hoạt động tự chăm sóc như ăn uống, thay áo quần, đi vệ sinh… Động viên tâm lý từ người nhà, NVYT phải được thực hiện trong suốt quá trình điều trị.
* Một vài lưu ý sau phẫu thuật:
– Nếu người bệnh có sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện thì chỉ được lái xe khi đã dừng sử dụng thuốc.
– Không sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian sử dụng thuốc.
– Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc.
– Luôn luôn khởi động một cách nhẹ nhàng, sau đó mới tiến dần tới biên độ vận động tối đa có thể.
– Trong 6-8 tuần, không nên vận động tay và vai theo cường độ như lúc chưa phẫu thuật. Sau khoảng thời gian đó, người bệnh có thể vận động bình thường.
– Tại nhà: nghỉ ngơi, tránh nằm đầu thấp. Cố gắng giữ cho góc giữa nửa thân trên và nửa thân dưới có độ lớn từ 30 độ trở lên.
– Vấn đề đau: Uống thuốc giảm đau đúng giờ theo chỉ định của bác sỹ, không chờ tới khi đau mới uống.
BS Nguyễn Anh Thắng, KTV Nguyễn Thị Hoa, Vũ Đình Hưởng, Nguyễn Huy Hùng – Khoa Phục hồi chức năng